Trong cuộc sống hay trong công việc, ắt hẳn chúng ta cũng sẽ có đôi lần bỏ qua một vài vấn đề vì cho rằng đó "không phải việc của tôi". Nhưng xét ở khía cạnh khác, khi chúng ta bỏ qua điều này cũng đồng nghĩa với việc đánh rơi cơ hội.
Chia sẻ mới đây của anh Nguyễn Tiến Huy - chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Digital Marketing và nắm giữ không ít chức vụ quan trọng ở các cơ quan có liên quan tới truyền thông, marketing; đã nêu lên lời giải đáp cho vấn đề này.
Từ một nhân viên thiết kế web bình thường, Tiến Huy đã từng bước cố gắng, học hỏi, dám đương đầu với thử thách ở những lĩnh vực "không phải của mình" để ngày một hoàn thiện bản thân.
Đó cũng chính là chìa khoá cho sự thành công mà Nguyễn Tiến Huy có được ngày hôm nay.
Chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Huy:
"Không phải việc của tôi
Năm thứ nhất: Tôi là nhân viên thiết kế web. Một ngày nọ, sếp giao cho tôi thiết kế logo và ấn phẩm của công ty. Tôi đã dành một đêm để học một phần mềm mới về thiết kế in ấn, sau đó hoàn thành nhiệm vụ.
Năm thứ 2: Tôi vẫn là một nhân viên thiết kế, sếp yêu cầu tôi hỗ trợ đội bán hàng. Tôi vui vẻ chạy xe máy khắp các con đường, đi giới thiệu sản phẩm mới.
Năm thứ 3: Tôi thành lập Butchi Creative, chúng tôi thiết kế bìa đĩa. Khách hàng hỏi chúng tôi, liệu có thể giúp họ làm MV với mức giá cực thấp. Tôi đồng ý và cùng team bắt đầu sản xuất một trong những MV bằng hoạt hình đầu tiên ở VN.
Năm thứ 4: Tôi dừng hoạt động của Butchi Creative và gia nhập Who Digital. Trong cuộc phỏng vấn, tôi nói rằng tôi sẽ luôn tìm giải pháp cho những gì được công ty giao cho, kể cả những gì tôi không làm được hay không phải việc của tôi. Và tôi đã làm thế trong 8 năm tiếp theo.
Năm thứ 5: Người đàn anh trong công ty xin nghỉ, tôi xin nhận làm cả mảng lập trình ứng dụng Flash. Tôi được thăng chức sau một dự án đầu tiên mò mẫm từng dòng code. Tôi chủ động tham gia cùng cả bên lập trình cơ sở dữ liệu, góp ý kiến cho họ trong những gì họ làm.
Năm thứ 6: Sếp cho tôi xem một website và hỏi tôi liệu có thể học được công nghệ này để áp dụng cho campaign sắp tới không? Tôi nói chỉ cần họ đã làm được ở nước ngoài thì tôi sẽ học được. Tôi được thăng chức sau khi chứng minh điều này.
Năm thứ 7: Trưởng nhóm sáng tạo của công ty là một anh người Phillipines đột ngột nghỉ khi đang làm một dự án quan trọng của công ty. Tôi tiếp quản dự án khi chưa có đủ kinh nghiệm. Tôi được thăng chức sau khi hoàn thành xong dự án.
Năm thứ 8 (2011): Công ty dịch chuyển cơ cấu để chuẩn bị cho sáp nhập với tập đoàn Ogilvy. Sếp nói với tôi: tao sẽ trao cho mày cái chức danh của tao là Experience Director, vì mày đúng là như thế.
Có người hỏi tôi: Làm thế nào anh có thể thăng chức mỗi năm một lần như vậy?
Trả lời: Tôi không bao giờ nói "Không phải việc của tôi".
Sau khi đọc xong bài chia sẻ, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng đã cũng những lời bình luận tỏ ý rất tâm đắc với mọi điều mà anh Nguyễn Tiến Huy đã nêu ra.
" Một bài học tuyệt hay! Muốn phát triển bản thân và thăng tiến, người nhân viên không bao giờ nói "không phải việc của tôi".
Ngược lại, người nhân viên xem đó là cơ hội học hỏi để phát triển bản thân, học thêm kỹ năng mới, giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề.
Tất nhiên, khi doanh nghiệp đó phát triển, anh ta không còn là một "nhân viên" nữa. Vị trí cao hơn về cả mặt thu nhập (lẫn kỹ năng) là thành quả do chính thái độ anh ấy tạo nên.
Đã gặp vài trường hợp sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, kinh nghiệm chưa có, nhưng luôn có tâm thế "đây không phải việc của tôi", thích ngồi mát nhàn hạ, ngại ra ngoài, ngại tìm hiểu cái mình chưa biết, hay tìm cách từ chối thoái thác.
Riết rồi ông sếp không thèm giao cho nhiệm vụ nào mới mẻ. Ông xác định đó sẽ mãi là một nhân viên ngồi trong góc văn phòng.
Và tất nhiên khi doanh nghiệp phát triển, yêu cầu cao hơn, thì người đó buộc phải tìm một môi trường nhàn hạ khác, một góc văn phòng khác.
Điều đó không sai, nhưng không tốt. Nếu mới đi làm, nếu muốn phát triển, ta đừng là người như thế" - lời chia sẻ của thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Có nhiều dân mạng đã nhờ Nguyễn Tiến Huy tư vấn và cảm ơn bài chia sẻ của anh.