Đu trên tàu hỏa mưu sinh gây tranh cãi
Một thành viên tên BB đã đăng trên fanpage “Another side of Vietnam” bức ảnh chụp người phụ nữ với gương mặt khắc khổ đang cố gắng bám trụ lấy cửa đoàn tàu hỏa khi mà đoàn tàu đang chạy với tốc độ cao.
Kèm theo đó người này viết lời chú thích: Bức ảnh được chụp trên chuyến tàu đang chạy từ Đà Nẵng đến Huế. Người phụ nữ này đang chờ đến lúc cửa toa tàu mở thì chạy lên bán hàng cho các hành khách.
Vé lên tàu là quá đắt so với họ, chính vì vậy, họ phải làm cách này để mưu sinh.
Bức ảnh trên gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều bình luận cho rằng, người phụ nữ này đang đánh liều với mạng sống của chính mình.
Hành động như vậy có thể khiến chị gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Nhiều người tỏ ra ái ngại với những hình ảnh giao thông “muôn vẻ độc đáo” ở Việt Nam. Hành động bám vào tàu còn bị một số người đánh giá là gian lận khi không mua vé vào cửa.
Tuy nhiên, một số người bày tỏ thái độ cảm thông với người phụ nữ trong bức ảnh này. Quả thực, cuộc sống là muôn màu và nó không bao giờ theo một con đường như chúng ta muốn.
Để mưu sinh, mỗi người phải tự đi trên con đường mình chọn. Nhưng có lẽ, dù mưu sinh theo cách nào, mỗi người cũng cần nhìn nhận về hành động của mình để không gây ảnh hưởng xấu đến chính bản thân mình và những người xung quanh.
Nhọc nhằn phận nữ gánh gạch mưu sinh
Tại các khu lò gạch tại bãi nổi giữa sông Hồng thuộc địa phận các xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm người lao động.
Nhưng phần lớn lao động là những người phụ nữ nghèo khó, lam lũ gánh gạch thuê đến từ chính huyện Đan Phượng và các huyện lân cận.
Công việc của các chị chủ yếu là gánh gạch ướt đưa vào lò. Sau khi nung xong lại dọn than và đưa gạch chín ra. Hàng ngày, những người phụ nữ làm nghề phu gạch phải gồng mình gánh hàng tấn gạch trên đôi vai gầy.
Cẩn thận bấm chân, leo lên những chiếc thang gỗ chênh vênh dẫn vào lò gạch càng khiến nỗi vất vả của họ nhân lên gấp bội.
Những phu gạch ở đây thường giống nhau bởi thân hình gầy gò, bởi những chiếc khăn che ngang mặt vì bụi bặm.
Cực nhọc là thế, nhưng tiền công của những nữ phu gạch nơi đây thường chỉ được 180 nghìn đồng, trừ tiền ăn uống, xăng xe chỉ còn hơn trăm nghìn đồng.
Những phụ nữ “ăn bụi” để sinh tồn
Bụi bặm, nắng, gió, tiếng còi xe inh ỏi, cả những khí thải từ dòng xe cộ lưu thông trên đường đã trở thành nỗi ám ảm của bất cứ người dân nào đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô.
Thế nhưng, hàng ngày dạo qua các con đường bụi bặm nhất Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Láng Hòa Lạc..., ít có ai để ý rằng, đang có những người phụ nữ nghèo khó vẫn cố “bám đường” để mưu sinh...
Những người mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ trên những con đường này, phần lớn đều là những người có gia cảnh nghèo khó trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra, còn có cả những phụ nữ đến từ các vùng quê nghèo thuộc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc... lên kiếm việc làm thêm sau mỗi vụ nông nhàn.
Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn chợ đầu mối
Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM), đêm đêm, hàng trăm chị em phụ nữ, những thân phận lao động nghèo từ các ngõ ngách, các xóm lao động nghèo từ mọi ngả của thành phố đổ về.
Họ đưa tấm lưng gầy guộc, cánh tay khẳng khiu kham cái công việc nặng nề mà lẽ ra đó là việc của cánh đàn ông sức dài vai rộng.
Vì tiền công ít ỏi nên các nữ cửu vạn phải tranh thủ làm kẻo đêm qua mất. Nên dù có rảnh rỗi cũng không dám tìm cái góc nào chợp mắt.
Gần sáng, khi người mua đổ về càng đông, công việc càng khẩn trương, bóng dáng những người phụ nữ dưới ánh đèn càng trở nên hấp tấp.
Xong chỗ này, ngay lập tức họ chạy đến chỗ kia, xộc vào luồng khác, như con thoi chạy khắp các ngõ ngách trong khu chợ mênh mông. Phải nhanh chóng bốc dỡ, xếp hàng cho khách, nếu bận thì khách hàng gọi ngay người khác.