Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Nguyên, dù là con trai út nhưng Bùi Trung Kiên (sinh năm 1994) chỉ học đến hết lớp 9 vì không đủ tiền chi trả học phí .
Chàng trai xuống Hà Nội tìm học nghề để nuôi sống bản thân. Qua nhiều khó khăn, Trung Kiên hiện giờ đã sở hữu 1 salon tóc ở Hà Nội và 2 salon ở Lào Cai, mang về mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng cho chàng thanh niên trẻ.
Một mình bươn chải mưu sinh
Tốt nghiệp cấp 2, Kiên từ làng quê nghèo ở Thái Nguyên xuống Hà Nội xin học nghề. Thời gian đầu, Kiên xin vào học ở một xưởng cơ khí.
Được bao ăn ở nhưng chỉ học được 3 tháng, Kiên quyết định nghỉ vì nhận thấy sức khỏe không đáp ứng được nhu cầu công việc.
Không bằng cấp, Kiên rong ruổi ngày này qua ngày khác trên những chuyến xe buýt tìm chỗ việc làm mới. Ngoại hình nhỏ nhắn khiến cậu bạn bị nhiều nơi thẳng thừng từ chối khi xin việc.
Không còn lựa chọn nào khác, Kiên xin làm phụ hồ cho một nhà thầu nhỏ. Nắng cũng như mưa, mỗi ngày lao động quần quật, đêm về chỉ ngủ chừng vài tiếng.
Theo nghề được chừng 4 tháng, Kiên xin nghỉ vì công việc quá nặng nhọc. Được anh trai định hướng và giới thiệu, Kiên được nhận vào học ở 1 cơ sở tóc tại Hà Nội.
Không mất tiền đóng học phí nhưng Kiên phải tốn một khoản kha khá để thuê trọ, số tiền 5 triệu để dành sau 6 tháng làm thuê được sử dụng chắt bóp để đủ chi trả cho việc học nghề tóc trong vài tháng đầu.
Kiên và 5 người nữa thuê chung phòng trọ nhỏ để tiết kiệm chi phí. Mỗi bữa chỉ dám ăn suất cơm dưới 12.000 và chưa từng nghĩ đến việc mua sắm gì cho bản thân.
Làm chủ từ năm 19 tuổi
Một thời gian ngắn theo nghề, Kiên nhận ra đam mê và sự yêu thích với những mái tóc, những cây kéo.
Vậy là chàng trai này tự mày mò học thêm sau mỗi buổi, tay nghề nhờ vậy cũng cứng cáp hơn các bạn được nhận cùng đợt.
Ý thức về việc tự làm mới bản thân, chỉ trong vòng nửa năm, Kiên đã thử sức ở nhiều tiệm tóc lớn nhỏ, trong đó salon ‘giữ chân’ chàng trai trẻ lâu nhất được hơn 9 tháng.
Trong thời gian này, Kiên kinh doanh thêm mặt hàng thời trang với thu nhập ổn định hàng tháng khoảng 30 triệu đồng.
Cộng với số tiền lương để dành trong thời gian học tóc, Kiên gom góp mở một cơ sở tóc cho riêng mình, năm ấy, chàng trai này chỉ vừa bước qua tuổi 19.
Những ngày đầu không có tiền thuê thợ, Kiên phải tự mình đứng ra làm tóc cho khách.
Tiếng lành đồn xa, chàng trai này được bạn bè biết đến bởi sự chu đáo, tỉ mỉ trong từng nhát kéo và cả sự tận tình, thân thiện trong giao tiếp.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Kiên có thêm nhiều học viên và đủ tiền thuê thợ. Thu nhập ở tiệm tóc dao động từ 80-100 triệu đồng.
Thu nhập khủng 300 triệu/tháng
Sau 4 tháng dành dụm, theo lời tư vấn của một người bạn, Kiên mở tiệm tóc thứ 2 ở Lào Cai. Để quản lý 2 cửa tiệm, Kiên phải di chuyển qua lại hàng tuần cho đến khi cửa tiệm ở Lào cao đi vào ổn định.
Lượng khách tìm đến càng đông khiến Kiên phải cùng thợ đứng ra phục vụ khách lúc cao điểm vào dịp lễ, Tết. Chỉ sau 6 tháng, tiệm tóc thứ 3 được mở tại Thái Nguyên.
Vài tháng đi vào hoạt động, salon tóc tại Thái Nguyên không mang về hiệu quả như mong muốn, Kiên quyết định nhượng lại mặt bằng và di chuyển salon này về Lào Cai.
Đất lành chim đậu, 2 cửa tiệm tại đây càng làm càng phát, chàng trai này phải để lại quyền quản lý cửa tiệm ở Hà Nội cho anh trai để tập trung phát triển 2 cơ sở ở Lào Cai.
Vậy là ở tuổi 22, Kiên đã một mình gây dựng 3 tiệm tóc với thu nhập ổn định 300 triệu/tháng.
Nhìn lại quãng thời gian chật vật, khó khăn, Kiên càng quý trọng hơn đồng tiền mình làm ra. Chàng trai này cũng nhận thấy bản thân quyết đoán và bản lĩnh hơn xưa.
‘Quá khứ huy hoàng đến mấy cũng không thể quay trở lại, tương lai phái trước đang cần được vun đắp, chính vì thế mình phải phấn đấu nhiều hơn để phát triển sự nghiệp trong thời gian tới’ - Kiên chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Tính, mẹ của Kiên tâm sự: 'Trước khi xuống Hà Nội học nghề, Kiên phải phụ gia đình chăn trâu, cày bừa, nhìn con cực nhọc tôi cũng xót, nhưng hoàn cảnh khó khăn thì đành chịu.
Trong quá trình xa nhà, Kiên vẫn giữ liên lạc thường xuyên với bố mẹ và tham khảo ý kiến trước khi đưa ra quyết định.
Dù không có bằng cấp, nhưng bù lại, Kiên có thể tự kiếm được tiền, không ăn chơi đua đòi, đấy là điều khiến bậc làm cha, làm mẹ chúng tôi cảm thấy tự hào'.
Ảnh: NVCC