8x Việt tạo sân chơi độc đáo cho trẻ từ đồ phế thải

Kim Ngân |

Nhóm bạn trẻ Hà Nội thu lượm phế liệu với giá rẻ và chế tạo ra những đồ chơi miễn phí tại các sân chơi mini trong thành phố.

Tạo “sân chơi đúng nghĩa”

Tôi dám chắc rằng những đồ chơi như leo núi, vượt chướng ngại vật, xích đu bằng lốp xe hỏng, đu dây, ghế xoay…khó có thể tìm thấy ở các sân chơi mini dành cho trẻ trong thành phố.

Nhưng với ý tưởng độc đáo, bạo dạn nhóm bạn trẻ Hà Nội (tên gọi Think Playgrounds) đã sáng tạo ra những “khu vui chơi” gần 100 mét vuông ở xóm Phao (bãi giữa sông Hồng); Tuệ Viên gần 200 mét vuông (Cự Khối, Long Biên).

Hay sân chơi ở trung tâm thành phố như khu tập thể Phương Mai, Trung Hòa Nhân Chính (Thanh Xuân) cho đến nơi xa xôi như huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Think Playgrounds được thành lập 4/2014 với hai thành viên ban đầu là Kim Đức và Quốc Đạt (SN 1980).

Khu vui chơi độc đáo làm từ đồ tái chế.

Khu vui chơi độc đáo làm từ đồ tái chế.

Chu Kim Đức- là một trong những thành viên đưa ra ý tưởng sân chơi đúng nghĩa cho trẻ.
Chu Kim Đức- là một trong những thành viên đưa ra ý tưởng sân chơi đúng nghĩa cho trẻ.

Khởi nguồn từ dự án xây cầu trượt cho cụ rùa tại Hồ Gươm do bà Judith Hansen –một công dân Mỹ yêu Hà Nội khởi xướng. Vì dự án không thực hiện được nên Kim Đức và Quốc Đạt nghĩ: “Tại sao mình không làm sân chơi mini đúng nghĩa cho trẻ thành phố?”.

Chu Kim Đức thấy rằng, thành phố hiện nay có vấn đề rất lớn là thiếu chỗ chơi miễn phí cho trẻ. Hơn nữa, những đồ chơi đa phần đều tẻ nhạt, không kích thích sự sáng tạo và quá “an toàn”.

“Sân chơi hiện nay không đúng nghĩa mà phải là nơi giúp trẻ vận động, sáng tạo, vượt qua thử thách. Nếu trò nào cũng quá dễ dàng quá thì trẻ không phát triển được và trở nên nhút nhát”, Kim Đức nói.

Trò chơi đu dây khiến nhiều đứa trẻ thích thú.
Trò chơi đu dây khiến nhiều đứa trẻ thích thú.

Vì vậy, cả nhóm bắt tay vào việc xin những đồ vật tái chế như gỗ thừa, lò xo, ghế hỏng, lốp xe vứt đi…để chế tạo, sơn màu những đồ chơi thú vị, “có một không hai”.

Ngựa bập bênh được làm từ miếng gỗ thừa và nửa chiếc lốp ô tô hỏng được sơn đủ màu sắc bắt mắt; vượt chướng ngại vật bằng những chiếc lốp cũ sơn đủ màu chôn dưới cát…là những đồ chơi “hand made” của nhóm.

Sân chơi…chỉ 5 – 10 triệu đồng

Chỉ sau hơn 7 tháng thực hiện dự án, nhóm Think Playgrounds đã hoàn thành 4 sân chơi ở bãi giữa sông Hồng, huyện đảo Lý Sơn, Trung hòa Nhân Chính, Tuệ Viên và Phương Mai.

Hỏi về kinh phí xây dựng những “công trình” miễn phí này, Kim Đức cho biết thành viên nhóm chỉ bỏ công đi thu lượm phế liệu còn chi phí mua vật dụng không đáng bao nhiêu.

“Kêu gọi phụ huynh, cộng đồng chung tay ủng hộ, trung bình mỗi sân chơi như vậy có giá từ 5-10 triệu đồng”, Kim Đức nói.

3 thành viên của nhóm trong chuyến đi làm sân chơi cho trẻ Lý Sơn, Quảng Ngãi.
3 thành viên của nhóm trong chuyến đi làm sân chơi cho trẻ Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Kỷ niệm đáng nhớ của cả nhóm có là khoảng thời gian làm sân chơi ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Huy động nguồn lực, kinh phí trên mạng, 3 thành viên xin nghỉ làm để ra đảo “không có sân chơi” để thực hiện mong muốn tạo “khu vui chơi nhỏ” hơn 50 mét vuông cho những đứa trẻ nơi đây.

Đặt chân đến đảo, cả nhóm không tìm được đất trống để làm. Tưởng chừng bỏ cuộc nhưng cuối cùng ý tưởng được chính quyền và người dân ủng hộ nhiệt tình sau khi cả nhóm cố gắng thuyết phục.

Chỉ còn 4 ngày để làm, các thành viên trong nhóm dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Những ngày làm, trẻ con ở đảo đến rất đông xem, mon men đến chơi thử mặc dù chưa hoàn thành.

“Trước ngày về cả nhóm làm đến hơn 7 giờ tối mới xong. Ai cũng thấm mệt nhưng cảm thấy hạnh phúc vì mang đến niềm vui nho nhỏ cho người dân và trẻ em ở đảo Lý Sơn”, Kim Đức nói.

Vì đều là những người đang đi làm nên chỉ tranh thủ thời gian cuối tuần đến với sân chơi mini. Nhiều thành viên không quen biết nhưng qua thông tin trên facebook đã không ngần ngại đăng ký tham gia làm “không công”.

Một thành viên trong nhóm, Nguyễn Tiến Phong (28 tuổi) chia sẻ: “Mình tình cờ đọc được thông tin và đăng ký ngay chung tay góp sức mang đến sân chơi đúng nghĩa cho trẻ.

Nhiều người mong đến cuối tuần để nghỉ ngơi nhưng mình muốn đến đây để làm đồ chơi cho các em. Thấy nụ cười khi trẻ chơi vui vẻ là mình hạnh phúc lắm rồi”.

Các thành viên trong nhóm làm việc tại khu Tuệ Viên.
Các thành viên trong nhóm làm việc tại khu Tuệ Viên.

Không dừng lại ở 4 sân chơi, Kim Đức nói: “Chắc chắn năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm và hy vọng dự án này tiếp tục được nhân rộng, các nhóm tình nguyện làm ở các vùng cao, nơi xa xôi”.

Cách đây không lâu nhóm tổ chức sự kiện Playday để kích thích sự sáng tạo, hoạt động của trẻ. Các thành viên trong nhóm đã âm thầm treo 6 xích đu trong đêm ngày 1/11 và rạng sáng ngày 2/11 tại một số địa điểm trong trung tâm thành phố.

Dù biết ở Hà Nội khó tìm thấy sân chơi cho trẻ vì “tấc đất tấc vàng”, nhưng Kim Đức lạc quan nói rằng: “Mỗi chúng ta hãy trở thành “kiến trúc sư” để sáng tạo đồ chơi cho con em mình.

Hãy nghĩ đơn giản rằng tại một bãi đất trống nếu ta để một túi rác nó sẽ thành bãi rác. Còn nếu để một xích đu nó sẽ thành sân chơi cho trẻ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại