Cư dân mạng 'hả hê' trước việc Facebook bị 4 người Việt lừa 36 triệu USD - Vì sao nên nỗi?

Bảo Nam |

Không đồng tình với những kẻ lừa đảo, nhưng cư dân mạng Việt Nam lại phấn khích trước việc mạng xã hội Facebook bị mất tiền.

Hôm 29/6 vừa qua, Facebook đưa ra thông báo cho biết đã nộp đơn kiện một nhóm 4 người sống tại Việt Nam, vì tội chuyên tấn công chiếm đoạt tài khoản để chạy quảng cáo trái phép.

Theo Giám đốc Thực thi và Kiện tụng Facebook Jessica Romero, 4 cá nhân sống tại Việt Nam có tên viết tắt là N.H.T, L.K, N.Q.B và P.H.D, đã chạy hơn 36 triệu USD quảng cáo trái phép.

Cụ thể, nhóm người này đã viết và đăng tải ứng dụng có tên "Ad Manager for Facebook" lên Google Play Store, thông qua nó để chiếm đoạt thông tin đăng nhập tài khoản của nạn nhân là các nhân viên của nhiều đại lý quảng cáo, tiếp thị. Sau đó thủ phạm sẽ sử dụng thông tin này để truy cập tài khoản rồi chạy quảng cáo, trong một vài trường hợp là quảng bá lừa đảo trực tuyến. Hiện ứng dụng đã bị Google gỡ bỏ.

Cư dân mạng hả hê trước việc Facebook bị 4 người Việt lừa 36 triệu USD - Vì sao nên nỗi? - Ảnh 1.

Danh tính 4 người Việt lừa tiền mạng xã hội Facebook đã được nền tảng này công khai.

Thông tin ngay lập tức khiến cộng đồng người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam "dậy sóng". Tuy nhiên, trái ngược với thái độ "ghét ác như thù" vốn thường xuất hiện trong các tin tức về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... thì lần này, một phần không nhỏ cư dân mạng lại chĩa mũi dùi về phía nền tảng mạng xã hội Facebook.

"Muốn bắt người hả, đặt máy chủ ở Việt Nam đi rồi cho bắt", thành viên có nickname Trang Trần lên tiếng.

"Ủa chứ Facebook có đóng cho Việt Nam đồng thuế nào đâu mà truy nã?"

"Ủa không đóng thuế thì kiện ai bây giờ ta? Thu ở Việt Nam vài tỉ USD mà không đóng được đồng thuế nào, đến khi mất mấy chục triệu USD lại đòi kiện đòi tiền, kiện ai đây ta?", một người dùng khác cũng lên tiếng ủng hộ.

"Lúc lấy tiền quảng cáo thì nhanh, lúc cần hỗ trợ thì đợi dài cổ. Bởi vậy ai đọc mà không hả hê cho được", thành viên Facebook có tên Trần Hùng bình luận.

"Người tổn thương lại muốn tổn thương người khác à? Đáng lắm anh Mark, ăn của mình không biết bao nhiêu con tài khoản thanh toán", một thành viên khác viết.

Cư dân mạng hả hê trước việc Facebook bị 4 người Việt lừa 36 triệu USD - Vì sao nên nỗi? - Ảnh 2.

Cộng đồng mạng Việt "hả hê" trước thông tin Facebook bị lừa tiền.

Theo quan điểm của phần đông cộng đồng, việc đại diện mạng xã hội Mỹ lên tiếng tố cáo và buộc các đối tượng này phải "chịu trách nhiệm" trong bối cảnh công ty không đặt máy chủ, trụ sở hay mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, cũng như đóng thuế là điều "hết sức vô lý". Việc truy tố, bắt người hay những hành động tương tự có thể đưa ra càng khó có thể khả thi. Theo đơn kiện, ngoài việc yêu cầu 4 người trên bồi thường thiệt hại với số tiền ít nhất 36 triệu USD thì Facebook còn muốn tòa án ra lệnh cấm truy cập vào website mạng xã hội của họ.

Chia sẻ từ góc nhìn của "người trong cuộc", anh Quang Hải, một người thường xuyên phải vung tiền cho các kế hoạch chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook cho biết tâm lý bài xích của cộng đồng là hoàn toàn... dễ hiểu. Bởi lâu nay, trong mối quan hệ đối tác khách hàng với Facebook, người dùng Việt thường ở vị trí "nắm đằng lưỡi" trong khi nền tảng này luôn "cầm chuôi".

"Chưa tính tới việc thay đổi quy định liên xoành xoạch, thậm chí nếu làm đúng theo yêu cầu và đòi hỏi của Facebook, người chạy quảng cáo đôi khi vẫn mất tiền oan mà không thu lại được gì", anh Hải cho biết.

Theo quy định của Facebook, khi muốn chạy quảng cáo trên nền tảng, người dùng Việt sẽ phải kết nối thẻ thanh toán quốc tế để nạp tiền trước vào ngân sách sử dụng cho việc chi trả. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi có sự cố xảy ra, người dùng thường bị mất tiền, thậm chí "cháy ngân sách" mà không đạt được các chỉ số thu về như cam kết. Việc yêu cầu hỗ trợ, hoàn tiền từ Facebook sau đó cũng vô cùng khó khăn và kéo dài, bởi mạng xã hội này không hề có văn phòng đại diện tại Việt Nam, mọi thông tin liên lạc đều phải kết nối qua email hoặc chính nền tảng Facebook.

Trên thực tế, chính kẽ hở này trong mối quan hệ giữa đôi bên, Facebook và đối tác quảng cáo ở Việt Nam, là cơ hội cho các nhóm tội phạm như ở trên lợi dụng để tấn công và lừa đảo tài khoản của người dùng, nhằm bán lại cho các đối tượng trục lợi khác. Khi những người có nhu cầu chạy quảng cáo không muốn bị mất tiền oan hay "lằng nhằng" trong việc đáp ứng các tiêu chí khắt khe của mạng xã hội này, họ sẽ lựa chọn mua tài khoản bị xâm phạm từ những kẻ lừa đảo.

Cư dân mạng hả hê trước việc Facebook bị 4 người Việt lừa 36 triệu USD - Vì sao nên nỗi? - Ảnh 3.

Facebook nên sớm đặt văn phòng tại Việt Nam để sớm nhận được sự bảo vệ của pháp luật.

Tất nhiên, quan điểm chung của cộng đồng người dùng trên mạng xã hội đều không ủng hộ cách làm của những kẻ lừa đảo. Bởi ngoài việc đây là hành vi phạm tội, thì trong tương lai chính họ cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Cùng với đó, những tai tiếng xấu liên quan tới "người Việt" có thể khiến mạng xã hội này thắt chặt các quy định và yêu cầu, khiến việc kinh doanh của cộng đồng thông qua Facebook càng thêm khó khăn và tăng độ rủi ro.

Nhưng, nhìn ở một góc độ khác, câu chuyện sẽ trở nên cởi mở và dễ dàng hơn khi Facebook chấp thuận các yêu cầu đặt văn phòng hay thậm chí cả hệ thống máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó sẽ cho phép thông qua việc đóng thuế, mạng xã hội này sẽ nhận được sự bảo hộ bởi các quy định và pháp luật, hạn chế các trường hợp vi phạm, lừa đảo bởi các nhóm tội phạm như trên. Thực tế hiện nay Facebook đã đặt trụ sở tại hàng chục quốc gia, nhiều nước châu Á có mặt trong danh sách này gồm Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản…

Đồng thời, việc này cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho các đối tác Việt Nam trong việc giảm bớt các vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng dịch vụ của nền tảng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại