Cụ bà mệt lả, thở nhanh sau 3 tháng uống thuốc có chất cấm từ năm 1978

N. Huyền |

Vẫn đi khám đái tháo đường đều đặn nhưng thay vì uống thuốc bác sĩ kê, cụ bà lại uống thuốc đông y cao viên hạ đường huyết do bạn đi chùa mách khiến cụ suýt chết.

Sáng 27/4, PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV ĐH Y Hà Nội cho biết vừa cứu sống một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc đông y cao viên hạ đường huyết chữa bệnh đái tháo đường.

Cụ bà có tiền sử đái tháo đường, hàng tháng vẫn đi khám đều đặn. Tuy nhiên, thuốc bác sĩ cho cụ không dùng mà lại uống thuốc đông y cao viên hạ đường huyết do các cụ trong nhóm đi chùa mách.

Sau 3 tháng uống thuốc cụ sụt 8 cân.

“Một ngày cụ mệt lả lướt…thở nhanh như máy mới được các con đi viện cấp cứu. Bác sĩ nghi ngờ toan máu, làm ngay khí máu tại cấp cứu. Kết quả cho thấy chỉ số pH: 6,7 (mức hiếm khi thấy người còn sống); ngộ độc Phenformin - thứ thuốc đái tháo đường cũ, là cái chết của bao người thiếu hiểu biết”, PGS. TS Hoàng Bùi Hải thông tin.

Ngay lập tức, cụ được chỉ định lọc máu cấp. PGS. TS Hoàng Bùi Hải thông tin, sáng nay cụ đã nói chuyện được, pH về mức người sống 7,35-7,45.

Cụ bà mệt lả, thở nhanh sau 3 tháng uống thuốc có chất cấm từ năm 1978 - Ảnh 1.

Loại thuốc cụ bà uống khiến suýt chết

Đây không phải trường hợp đầu tiên bị ngộ độc Phenformin. Trước đó vào năm 2020, Bệnh viện Xanh Pôn cũng tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhân nam 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc chất cấm Phenformin trong thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Cung cấp thông tin cho phóng viên thời điểm đó, bác sĩ Lương Tuấn Kiên, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, tình trạng toan chuyển hóa do Phenformin nặng của người bệnh với tỷ lệ gây tử vong lên tới hơn 50%. May mắn, nam bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và đáp ứng điều trị tốt.

Qua khai thác tiền sử bệnh án cho thấy, người bệnh mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Bác sỹ chỉ định điều trị bằng thuốc tiêm insulin (chất kiểm soát chuyển hóa đường vào máu) định kỳ. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc viêm gan B, ung thư gan.

Trước khi nhập viện gần một tháng, bệnh nhân bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc nam khoảng 4 viên một ngày. Viên thuốc có dạng hình cầu màu vàng nâu, đường kính khoảng 1cm, không rõ thông tin về thành phần, hàm lượng, nơi sản xuất và không có chứng nhận cấp phép. Quảng cáo trên bao bì cho biết thuốc có công dụng điều trị tiểu đường và suy thận.

Sau khi uống vài ngày, người đàn ông thấy chỉ số đường huyết giảm, vì vậy bệnh nhân tiếp tục uống thuốc. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân cảm thấy dần mệt mỏi, ăn uống kém.

Ngày 25/10, người nhà đưa ông tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu trong tình trạng ý thức chậm, huyết áp tụt, thở nhanh sâu, đau bụng. Các chỉ số xét nghiệm đều xấu, có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa (nhiễm acid trong máu) và toan lactic nặng, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.

Người bệnh phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, lọc máu liên tục để đào thải chất độc trong cơ thể. Tình trạng nhiễm toan và suy đa tạng cải thiện trong quá trình lọc máu. Sau 2 ngày, ông được bỏ máy thở, rút ống nội khí quản, cắt thuốc vận mạch, dừng lọc máu.

Đáng lưu ý, song song với điều trị cấp cứu cho người bệnh, bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng gửi mẫu thuốc nam do gia đình cung cấp đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, thành phần thuốc dương tính với chất phenformin, một loại thuốc dùng để điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950.

Trước đó, vào năm 2018, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai cũng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian dùng thuốc nam để điều trị bệnh tiểu đường. Hai trong số ba bệnh nhân đó đã tử vong trước sự bất lực của các thầy thuốc và gia đình.

Cả 3 bệnh nhân trên đều vào viện trong 1 bệnh cảnh giống nhau: đau bụng kèm theo đau ngực giống như 1 cơ nhồi máu cơ tim cấp, sốc, suy đa tạng rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao.

Cả 3 bệnh nhân đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà tự điều trị bằng viên “tiểu đường hoàn” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, được bán trên mạng, “ship” hàng tận nhà. Cả 3 bệnh nhân trên đều có chung chẩn đoán: Toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin/ Đái tháo đường tuýp 2.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường cho biết: phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và những biến chứng khôn lường nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, họ đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.

TS. BS Quang Bảy cũng nhấn mạnh, đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sỹ.

“Nhiều người thường tự mày mò các phương pháp điều trị bằng “thuốc đông y”, hoặc kinh nghiệm dân gian dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc như các trường hợp bệnh nhân trên đây”, TS. Bảy cho biết.

Do đó, để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến cái chết, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường không nên tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, vì có thể thuốc đã được trộn các chất cấm, có hại cho cơ thể.

Người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sỹ và kiên trì với phác đồ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Đặc biệt, với người nhà của người bệnh ĐTĐ, PGS. TS Hoàng Bùi Hải cảnh báo: “Hiện nay có một số kẻ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin nên móc tiền hưu của các cụ bằng chiêu trò giao thuốc bổ béo, bệnh tại nhà. Con cháu đừng tin là các cụ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại