18 năm đẩy xe lăn cho vợ
Ở sâu trong con hẻm thuộc Quận 4, TP. HCM là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thuận (65 tuổi, quê Cai Lậy, Tiền Giang) và bà Nguyễn Thị Rỡ (64 tuổi, quê Gò Công, Tiền Giang). Đã thành thói quen, khi con ngõ nhỏ còn thưa thớt người vào sáng sớm, hai ông bà lại lục đục dậy ăn uống, chuẩn bị quần áo.
Sau khi đỡ bà Rỡ ngồi yên vị vào chiếc xe lăn, ông Thuận đeo chiếc túi quai chéo lên, cầm tập vé số rồi bắt đầu hành trình khắp các cung đường. Tiếng rao lanh lảnh: "Ai vé số đây" đã vang vọng Sài Gòn suốt hàng chục năm qua.
Ông Thuận đẩy xe lăn cho vợ, cùng đi bán vé số
Ông Thuận kể, 38 năm trước, ông quen bà khi đi đóng quân ở Gò Công. Hai vợ chồng ông sinh hạ được 1 người con gái, cuộc sống có của ăn của để, cả hai cùng bảo ban tu chí làm ăn. Nhưng năm 2004, khi đang làm công việc buôn bán tại một sạp trái cây ngoài chợ, bà Rỡ lên cơn tai biến, liệt nửa người. Ông Thuận trở thành trụ cột của gia đình, lo cho vợ và con gái.
Bà Rỡ biết chồng đã nửa đời vất vả vì mình nên luôn cảm thấy áy náy vì thành gánh nặng cho ông: "Hồi xưa ông sướng lắm, chỉ cần ngủ còn tôi lo buôn bán. Ông đi lấy hoa quả về rồi chia bán thôi. Rồi khi tôi bệnh, ông đâu biết đi mua, mà giờ trái cây cũng hiếm lắm".
Bệnh bà Rỡ cứ ngày một nặng, tài sản dồn vào viện phí chữa bệnh, tiền thuốc được ngày nào hay ngày nào đó. Trong cơn đau buốt chạy dọc đôi chân khẳng khiu, bà đã từng nghĩ quẩn, muốn ra đi thanh thản để ông đỡ khổ hơn, để ông có thể đi tìm vợ mới.
Bà Rỡ bị tai biến, liệt nửa người
Nhưng trái lại ông Thuận lại càng thương và quyết định ở bên bà suốt quãng tuổi già còn lại. "46 tuổi bà bệnh, lúc đó chưa dám nghĩ sau này sẽ bán vé số đâu", ông Thuận suy đi tính lại, công việc này có thể chủ động, lại cần ít vốn, nên liều mình đi bán thử một thời gian. Bà Rỡ ở nhà buồn thui thủi, cứ nhớ chồng nên khóc suốt. Nghĩ đến vợ nên ông chỉ bán có nửa ngày. Về sau sức khỏe bà đỡ hơn, ông đẩy xe lăn đưa đi theo cùng.
"Mỗi lần trời mưa gầm là bà sợ, ngồi khóc. Không ai lo cho bà ấy được... Tôi thương bà ấy, bà ấy đã từng đồng cam cộng khổ với tôi đi qua nhiều năm tháng. Nếu bà ấy mất, tôi sẽ rất lẻ loi, cảm thấy hụt hẫng lắm...", ông Thuận buồn rầu tâm sự.
Kêu cứu không thành lời khi bị cướp
Một tờ vé số ông bà Thuận lãi được 1.000 đồng. Trung bình ngày nắng, đi bán thuận lợi từ sáng đến 11, 12h đêm cũng được chừng 150.000 trở lên, đủ lay lắt sống qua ngày. Nếu dọc đường có lon chai, phế liệu, ông lại nhặt nhạnh đem về, bán lấy thêm vài ngàn.
Thời gian đầu theo chồng đi bán, bà Rỡ từng bị người ta lừa gạt, cướp hết vé số. "Người ta photo vé số giả rồi mang ra đổi, mình đâu có biết. Chừng mang lên đại lý kiểm tra mới biết, người ta không nhận mà mình phải chịu.
Cũng có lần gặp cướp, lúc đó ông sốt, còn tôi ngồi xe lăn kêu ú ớ chứ không biết làm gì. Nó lấy 500 tờ, vé số đó là tiền dành dụm vay mượn. Cứ để dành bán, hôm 20 tờ, hôm 50 chục, mừng lắm. Ai ngờ...", bà Rỡ cười khổ.
Bà Rỡ từng bị người ta lừa, cướp hết vé số
Trong thời gian dịch bùng phát ở Sài Gòn vào năm ngoái, cả ông Thuận, bà Rỡ bị nhiễm Covid-19, may mắn đều vượt qua an lành.
Bà Rỡ nhớ nhất thời điểm đó, mẹ ruột bà cũng bị tai biến, từ quê lên chơi. Run rủi thế nào, cụ bị ngã, qua đời đột ngột. Nhưng khi đó giãn cách xã hội, bà Rỡ không thể đưa tiễn mẹ đi đoạn đường cuối, đành bất lực nhìn đội mai táng đưa đi chôn cất.
Nỗi mất mát quá lớn khiến bà khó lòng nguôi ngoai. Cả hai vợ chồng cũng nghỉ bán, vài tháng trời không kiếm được đồng nào, chỉ trông chờ vào cơm từ thiện. Cô con gái của ông bà nay đã ngoài 30, không dám lấy chồng vì mặc cảm nghèo, cũng lang thang kiếm việc, nay đây mai đó.
Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi
Hai người thân quan trọng là động lực duy nhất giúp bà Rỡ có thêm ý chí sống. Còn ông Thuận luôn động viên vợ, lúc nào cũng lạc quan, nở nụ cười trên môi.
"Nếu đã như vậy rồi thì phải cố gắng thôi chứ biết sao giờ. Thỉnh thoảng bà con cô bác người ta nhận ra, ghé ủng hộ. Nhiều khi còn gửi sữa cho bà. Cuộc sống như nước chảy, tới đâu thì tới...", ông Thuận vui vẻ.
Con đường khuya quanh các ngã tư Quận 4 vẫn sáng đèn. Hai chiếc bóng còm cõi vẫn tiếp tục tiếng rao lanh lảnh giữa đêm như số phận hẩm hiu của ông Thuận, bà Rỡ. Chưa biết mai này ra sao, nhưng vẫn được đi cùng nhau thêm một đoạn đường, với ông bà, đó là niềm hạnh phúc.
Nguồn: Nghệ sỹ du ký