Bà cụ hiện nay ở trong một căn nhà trong con hẻm ở đường Đinh Tiên Hoàng. "Niềm vui bây giờ của tôi chỉ là mỗi sớm thức dậy được nghe tiếng "chí chóe" của "đàn con", và mỗi lần đi chợ về được chúng "hớn hở" chạy ra chào đón", bà Quý chia sẻ.
Căn nhà nhỏ của bà cụ ngổn ngang vật dụng và mùi hôi nồng nặc, bà Quý cho biết con mèo đầu tiên bà cứu cách đây khoảng 60 năm. Từ ngày đó đến nay, đã cưu mang tất cả bao nhiêu con mèo, con chó bà không còn nhớ rõ.
Năm 2015, bà đã được một trạm cứu hộ chó mèo chuyển giúp tới 70 chú chó mèo xuống trại. Thế nhưng với sự ám ảnh không thể chịu được khi nghe thấy tiếng mèo kêu hay một con chó đi lạc, bà lại ôm chúng ở khắp nơi về nhà để nuôi nấng.
Cụ già hiền hậu nói: "Con mèo cũng như con người vậy con. Lúc nó về già sẽ chẳng thể tự mình chăm sóc, nên bà mang nó về để cho nó sống nốt quãng đời cuối cùng có một mái nhà".
Căn bếp nơi bà Quý hàng ngày nấu đồ ăn cho lũ mèo, bà hay nấu cơm để ăn cùng luôn ngay cạnh đó.
Hầu hết chó mèo cụ mang về đều là "thương binh", cụ gọi là thế vì chúng đều bị bỏ rơi từ bé xíu, có đứa bị ghẻ lở, đứa thì mù mắt... Cụ lại thương mang về đưa đi viện, cho cái ăn, chỗ ngủ, không còn là chó mèo hoang nữa.
Bức ảnh kỉ niệm của bà được một nữ phóng viên chụp tặng khi đến thăm.
Thời gian gần đây, nhiều người lạ biết bà hay nuôi chó mèo, nên có lúc nửa đêm xích con chó già trước cửa, hoặc quẳng con mèo vào nhà để mặc ở đó. Người tốt hơn sẽ kèm thêm một túi thức ăn. Vì thế sau khi gửi 70 chú chó mèo xuống trại, lượng mèo nhà bà vẫn tăng lên dần dần, hiện nay đã gần 30 con.
Hàng ngày, bà Quý dậy từ 5 giờ sáng để dọn dẹp giấy cũ cho "các con" nằm, bà cẩn thận lau sạch sàn, lót báo cho từng chậu vệ sinh, sau đó cho chúng ăn rồi mới đi chợ. Lúc về, bà lại dọn dẹp và nấu ăn, rồi tắm rửa cho chúng, loay hoay cũng đến nửa đêm mới xong việc.
Chiếc giường của bà đặt ngay chỗ cửa ra vào cho thoáng vì mùi phân và nước thải của chó mèo rất nồng nặc trong nhà. Cụ Quý bảo ở lâu nên thành quen và chưa có vấn đề gì về sức khỏe từ khi nuôi chúng nó.
Căn nhà vốn đã ẩm thấp chật chội, đâu cũng là thức ăn mèo chó vương vãi, phân và nước tiểu cùng mùi hôi thối.
Tuổi ngoài 80, lưng ngày một còng, tóc ngày một bạc nhưng bà Quý vẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vì lũ chó mèo. Hàng ngày bà bán giấm gạo tại khu chợ gần nhà để kiếm thêm tiền mua đồ ăn cho cả người và động vật.
Sống một mình, tuổi già, có những ngày đau ốm, nhìn người khác con cháu đầm ấm bà không khỏi chạnh lòng. Bà nói: "Coi lũ mèo chó là con cháu mình con ạ. Trời thương mình, tụi nhỏ thương mình, sống chừng này tuổi nhưng dì không ốm đau nhiều, dì bị hở van tim, có ngày cảm sốt, uống vài viên thuốc là hết".
Từng đồng lẻ được bà cụ cất thật kĩ để hòng mua viên thuốc, mua thêm thức ăn cho lũ "trẻ con" ở nhà. Bà tâm sự: "Mong ai nuôi chó mèo đều thương nó đến lúc nó già rồi chết, chứ đừng mang cho bà nữa vì bà không còn đủ sức để nuôi chúng nữa rồi."
Có lẽ, những chú chó mèo gắn với cuộc đời bà là niềm an ủi của bà, nhưng cũng có thể như bà nói, đó là cái "nghiệp" của bà, nợ nó kiếp trước chẳng trả được nên giờ khổ với nó.