25 năm làm cô giáo không lương
Chúng tôi đến gặp cụ bà Trần Thị Bê vào một buổi chập chiều xứ Huế. Ấn tượng đầu tiên đến với chúng tôi đó là hình dáng một người phụ nữ lưng còng, tóc bạc, đang cầm tay một em học sinh đưa từng nét chữ lên trên mặt giấy.
Rót ly chè đặc ngồi tiếp chuyện chúng tôi cụ bà kể, bà là con thứ hai trong một gia đình lao động nghèo có 7 anh em. Bố mất sớm, một mình mẹ bà tảo tần sớm hôm nuôi đàn con thơ dại.
"Khi ba của bà ngã bệnh, bà định nghỉ học nhưng ba không đồng ý, sau đó ba xin bà vào học miễn phí tại trường Jeanne d'Arc ở đường Trần Cao Vân, Thành phố Huế (nay gọi là trường THPT Nguyễn Trường Tộ).
Vì đó mà bà rất thấu hiểu và thương các em học trò nghèo. Điều đó đã làm thôi thúc bà, đưa tới cho bà sự khát vọng được mở một lớp dạy học cho trẻ em nghèo. Niềm ấp ủ đó xuất hiện khi bà 16 tuổi", bà kể lại.
Đến năm 1970, khi ra trường bà được tuyển vào làm ở ngành bưu điện với công việc đánh máy chữ, đến năm 1985 bà nghỉ việc ở đó. Suốt 10 năm sau đó, bà ở nhà nấu cơm phục vụ cho sinh viên nghèo đang học ở Huế.
Năm 1995, bà bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo. Ban đầu, bà dạy các em nhỏ tập đọc, tập viết, làm phép tính. Sau đó, vì nhu cầu của xã hội hiện nay nên bà học thêm tiếng Anh và tiếng Pháp rồi sau này dạy hai thứ tiếng ấy cho các em học sinh, sinh viên đại học và cả những người đã đi làm.
"Hồi đó, lớp học trong nhà bà ngày nào cũng có học trò. Các cháu nhỏ ở gần hay xa là con của những gia đình lao động nghèo tìm đến lớp học của bà để mong muốn biết thêm kiến thức", bà kể lại.
Bà Trần Thị Bê vẫn ngày đêm dạy chữ cho các học sinh nghèo trong vùng
Bà cụ cho biết, từ những ngày đầu, lớp học của bà luôn duy trì từ 60 đến 70 học trò, thế nhưng sau này do tuổi cao sức yếu, lưng đã còng nên bà chỉ nhận khoảng dưới 10 học trò và dạy vào tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 mỗi tuần vào lúc 18h.
Trước đây, lúc học trò đông thì bà mượn nhà bên cạnh rộng rãi, thoáng mát hơn làm không gian dạy. Sau này khi già rồi, bà dạy ít nên chuyển về nhà mình dạy cho tiện, toàn bộ chương trình dạy là bà tự soạn trước mỗi buổi học, tùy theo đối tượng là học sinh, sinh viên thì bà sẽ soạn những giáo án riêng.
Lớp học trong nhà bà ngày nào cũng có học trò. Các cháu nhỏ ở trong khu vực hay ở các nơi xa trên địa bàn thành phố là con của những gia đình lao động nghèo tìm đến lớp học của bà. Đêm đêm, bà vẫn lặng lẽ soạn bài để ngày mai lại lên lớp mang tri thức đến trò nghèo hiếu học.
Niềm vui khi thấy học trò trưởng thành
Lập gia đình nhưng không có con, chồng lại mất sớm, bà sống một mình, giản dị trong căn nhà nhỏ cùng tình cảm của bà con lối xóm. Đối với bà, khối tài sản lớn nhất đó là khi những đứa học trò của mình lớn khôn, trưởng thành. Bà xem những đứa học trò như là những người con, người cháu của mình.
Gần 25 năm mở lớp làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, các thế hệ học sinh nơi lớp học nhỏ của bà Bê giờ đã là kỹ sư, bác sĩ thành đạt, có người đã nghỉ hưu… nhưng tất cả đều hướng về bà bằng tấm lòng biết ơn, trân trọng.
Lấy công việc dạy học làm niềm vui cho mình, bà cất giữ cẩn thận những bức ảnh của học trò, nâng niu từng tấm danh thiếp, lá thư dù đã ố vàng mà học trò gửi mỗi dịp 20 tháng 11, ngày mồng 8 tháng 3, lễ Tết…
Lom khom lại cánh tủ nhỏ, lấy ra những bức ảnh về lớp học, những lá thư, bài thơ của những học trò gửi tặng nhân dịp lễ, Tết bà nói rằng đây là những tài sản lớn nhất của cuộc đời mình.
"Học trò nó tự tay viết và làm tặng tôi đấy, cứ đến ngày lễ, chúng nó lại kéo nhau về thăm ngồi trò chuyện, tâm sự với tôi" bà bảo, đó là tài sản lớn nhất của cuộc đời bà.
Bà nâng niu những tấm ảnh về lớp học tình thương.
Chúng tôi hỏi bà: Tuổi đã cao sao bà không nghỉ ngơi, dưỡng sức mà vẫn ngày đêm làm nghề gieo chữ cho các em học trò? Mỉm cười với chúng tôi, bà chia sẻ: "Bà khỏe lắm, cả đời bà ít đi bệnh viện lắm.
Chừng nào tôi còn khỏe thì chừng ấy tôi còn tiếp tục gieo chữ cho các em. Chính việc hàng ngày các em tới học mà tôi khỏe thêm, vui thêm" bà cười hiền từ nói.
Bước sang tuổi 97, tóc bà đã bạc theo màu của thời gian nhưng lòng bà thì vẫn thắm xanh và vẹn nguyên màu sắc của yêu thương. Được gặp bà, nghe bà trò chuyện thấy những việc bà làm mà lòng tôi cảm thấy khâm phục và ngưỡng mộ biết bao.
Bởi vì giữa cuộc sống hiện đại bộn bề, có bao điều làm ta phải băn khoăn, trăn trở lại xuất hiện một bà giáo với tấm lòng lương thiện và nghĩa cử cao đẹp biến giấc mơ của bao lớp học trò trở thành hiện thực.
Thật đẹp biết bao khi nơi con hẻm nhỏ bên đường Điện Biên Phủ, trong lòng Cố đô Huế thơ mộng, hàng ngày, ở đó vẫn có một cụ bà nặng lòng với những lớp học tình thương.