CSGT rút súng bắn trúng đầu dân: Hết sức nguy hiểm!

Hoàng Hải |

Những ngày qua, người dân rất quan tâm đến việc một chiến sỹ CSGT thuộc Đội CSGT Công an TP.Tuyên Quang đã sử dụng súng công cụ hỗ trợ bắn vào đầu một người dân.

Việc một chiến sỹ CSGT thuộc đội CSGT Công an TP. Tuyên Quang dùng súng công cụ bắn vào đầu một người dân trong khi làm nhiệm vụ vào chiều ngày 30/6 đã gây xôn xao, bất bình trong dư luận.

Quan điểm của Công an tỉnh Tuyên Quang về sự việc trên là ai sai, ai đúng đều xử lý nghiêm, không bênh vực.

Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Văn Giáp - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, người bị CSGT TP. Tuyên Quang bắn bị thương ở đầu tên là Phương.

Anh Phương chỉ bị thương nhẹ ở phần ngoài da, hiện Công an tỉnh Tuyên Quang đã lấy lời khai của người này phục vụ cho công tác điều tra.

Đại tá Giáp cũng cho biết thêm, trong lúc chống đối tổ công tác CSGT TP. Tuyên Quang đang thực hiện nhiệm vụ, nam thanh niên bị bắn đã có hành vi cắn vào tay một chiến sỹ CSGT và xảy ra sự việc trên.

Vậy hành động nổ súng bắn vào đầu dân của chiến sỹ CSGT Công an TP. Tuyên Quang vào chiều ngày 30/6 là đúng hay sai, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla cho rằng, với trường hợp trên thì không thuộc bất kỳ trường hợp nổ súng nào được pháp luật quy định theo Khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh.

Vì vậy, việc nổ súng của CSGT là trái pháp luật.

Hơn nữa, theo ông Hòe, việc dùng súng cao su bắn vào đầu người dân là hành vi hết sức nguy hiểm vi phạm nguyên tắc nổ súng theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh: "Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra".

"Nếu muốn ngăn chặn, CSGT hoàn toàn có thể bắn vào các bộ phận khác ít nguy hiểm hơn trên cơ thể.

Theo tôi, cần phải điều tra, xác minh và thực nghiệm lại hiện trường để làm rõ việc CSGT có cố ý bắn vào đầu người đó hay chỉ là do vô ý và nằm ngoài ý muốn chủ quan của CSGT dẫn tới súng cướp cò hoặc đường đạn bị thay đổi", luật sư Hòe nói.

CSGT rút súng bắn trúng đầu dân: Hết sức nguy hiểm! - Ảnh 1.

Vết thương trên đầu của anh Phương do bị CSGT bắn trúng. (Ảnh: Đ. Đ)

CSGT có quyền được nổ súng không?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Về các trường hợp nổ súng của CSGT đã được quy định tại Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Theo đó việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đó CSGT được quyền nổ súng khi thi hành công vụ.

Khoản 2 Điều 22 quy định: Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:

Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;

Chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo (Theo hướng dẫn tại Nghị định số 25/2012/NĐ-CP việc cảnh báo trước khi nổ súng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên) .

Nếu việc nổ súng không kíp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Các trường hợp cụ thể mà CSGT được nổ súng là gì?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Khoản 3 Điều 22 Quy định các trường hợp nổ súng gồm:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại