CSGT phải làm gì khi người vi phạm chống đối, lăng mạ?

Minh An |

Lực lượng thực thi nhiệm vụ cần nắm rõ đường lối xử lý, căn cứ pháp luật, giải thích để người vi phạm hiểu rõ vi phạm của mình

Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có đưa rất nhiều các trường hợp người vi phạm luật giao thông có hành vi chống đối, lăng mạ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Ở góc nhìn của luật sư, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ cả hai phía, trong từng tình huống khác nhau.

Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 tại điều 3 quy định: Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ tại điểm 3 khi tiếp xúc với nhân dân, người có hành vi vi phạm pháp luật phải có thái độ đúng mực và ứng xử phù hợp với từng đối tượng được kiểm tra.

CSGT phải làm gì khi người vi phạm chống đối, lăng mạ? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc một CSGT bị đối tượng vi phạm đâm xe tử vong ở thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế (Ảnh: Lê Hiếu)

Tại điều 5 của thông tư quy định quyền hạn của CSGT: Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Tại mục 3: CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý hành chính theo quy định của pháp luật, tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và các giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Tại mục 8: Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý các hành vi chống lại người thực thi công vụ tùy theo tính chất mức độ hành vi của người vi phạm, cao nhất và nặng nhất có thể bị truy tố về hành vi chống người thi hành công vụ hoặc nặng hơn tùy theo tình huống.

Có trường hợp vi phạm còn có thể bị truy tố về tội giết người khi có hành vi cố tình xâm phạm tính mạng sức khỏe của cảnh sát giao thông.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), trên đây chỉ là những quy định của luật, giúp giải quyết vấn đề tức thời.

Về lâu dài, cần có chiến lược về tuyên truyền phổ biến luật giao thông đường bộ trong các cấp học tùy theo độ tuổi; đẩy mạnh nhiều hơn nữa việc phổ biến dưới nhiều hình thức cho người dân nắm bắt cụ thể luật giao thông nhằm hạn chế việc xẩy ra tranh cãi về vi phạm pháp luật giao thông, dẫn đến các hành vi vi phạm khác, khiến việc chấp hành cũng như xử phạt các vi phạm giao thông không hiệu quả.

Luật sư Vũ Ngọc Chi nhấn mạnh, đối với các hành vi vi phạm giao thông cần cương quyết xử lý đến cùng nhằm tăng tính răn đe, nâng cao sự tuân thủ pháp luật giao thông trong nhân dân.

Còn lực lượng thực thi nhiệm vụ cần nắm rõ đường lối xử lý, căn cứ pháp luật, ứng biến và đối đáp đầy đủ với người vi phạm giao thông nhằm tăng tính thuyết phục trong việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật giao thông.

Ở đây nhấn mạnh yếu tố giải thích, thuyết phục, chứng minh giúp người vi phạm hiểu được lỗi của mình sẽ tự nguyện thi hành các yêu cầu của người thực thi nhiệm vụ và chấp nhận chế tài hành chính khi người thực thi nhiệm vụ đưa ra.

Như vậy cũng sẽ không có những đôi co và sẽ mất dần các hành vi chống lại người thực thi nhiệm vụ giao thông.

Luật sư Chi cho rằng, có cách xử lý phù hợp với cả người tham gia giao thông và người thực thi nhiệm vụ giao thông sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai bên nhẹ nhàng, không gây ra các bức xúc không đáng có, không gây ra những hậu quả đáng tiếc và quan trọng hơn cả là có một trật tự giao thông hợp lý và nhịp nhàng, văn minh trên cơ sở mọi người đều tuân thủ luật khi tham gia giao thông và khi xử phạt vi phạm giao thông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại