Theo quy định của pháp luật hiện nay, trường hợp người tham gia giao thông đang điều khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn, khi vi phạm lại bỏ chạy, có hành vi chống đối, không chấp hành quy trình về xử lý vi phạm hành chính thì Cảnh sát giao thông có được truy đuổi người vi phạm đó hay không?
CSGT có được truy đuổi tài xế có nồng độ cồn?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ công an, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, thì:
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, cảnh sát giao thông có quyền “Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.”
Trong đó, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, nếu người vi phạm hành chính có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác thì người đang thi hành công vụ có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đó là áp giải, hoặc tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Theo hướng dẫn tại Điều 35 Nghị định 142/2021/NĐ-CP , trường hợp người bị áp giải có hành vi chống đối hoặc bỏ chạy, thì có quyền bắt giữ, nếu không bắt giữ được ngay thì cần kịp thời báo cáo cho thủ trưởng đơn vị và liên hệ với chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có phương án truy tìm người vi phạm bỏ trốn.
Như vậy, hiện nay pháp luật không quy định rằng, trong mọi trường hợp, cảnh sát giao thông đều được quyền truy đuổi, bắt giữ đối với người vi phạm có hành vi chống đối hoặc bỏ trốn, mà tùy từng điều kiện và trường hợp để xem xét người vi phạm có đang đe dọa gây thương tích cho người khác, có đang thực hiện hành gây rối trật tự công cộng hay không, để truy đuổi người vi phạm, cũng như để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với quy định của pháp luật nêu trên.