Crimea là một khu vực phát triển ở Nga với một nền kinh tế tăng trưởng mạnh. (Ảnh: RIA)
Nhận định trên của ông Alexander Molokhov, người đứng đầu Hội đồng chuyên gia về pháp luật quốc tế của Crimea chia sẻ với hãng tin RIA hôm 28/3.
Theo ông Molokhov, Kiev chính thức tham gia vào việc thay thế các diễn ngôn, không muốn thảo luận về các vấn đề trong cuộc sống thực.
“Kiev đang cố gắng áp đặt lên chúng tôi những chủ đề khó hiểu và không liên quan gì đến thực tế”, ông Molokhov nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Sergei Tsekov, thành viên của Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viên) gọi những lời “hứa” của Phó Thủ tướng Ukraine Reznikov về việc trục xuất người Nga khỏi Crimea là “một điều vô lý”.
Theo ông Tsekov, trong 7 năm qua, khoảng 100 nghìn công dân Ukraine đã trở lại hoặc chuyển đến Crimea, những người này đã nhận quốc tịch Nga theo một thủ tục đơn giản hóa.
Đồng thời, người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) về SNG, Hội nhập Á-Âu và giao tiếp với đồng bào Leonid Kalashnikov nói rằng, Phó Thủ tướng Ukraine nên quan tâm đến sự nghiệp của mình, không phải số phận của Crimea.
“Công dân Ukraine sẽ ‘thức tỉnh’ và hiểu điều gì đang xảy ra trên đất nước và họ sẽ trục xuất tất cả các quan chức như vậy”, ông Kalashnikov nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Khôi phục các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, ông Aleksey Reznikov cho biết sau khi Crimea “trở lại”, Kiev sẽ trục xuất các công dân Nga đã chuyển đến bán đảo này từ đất liền của Nga.
Theo ông Reznikov, Nga đa đưa 500 nghìn người Nga đến Crimea nhằm “làm loãng” dân số địa phương và đây là một “tội ác chiến tranh” mà Nga sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật quốc tế.
Các chính khách và chuyên gia Ukraine thường đưa ra những tuyên bố chống Nga mạnh mẽ. Mới đây, Tiến sĩ Khoa học, nhà khoa học chính trị Ukraine, ông Zinoviy Sveda đã đề xuất chiếm Crimea, “bố trí Trân Châu Cảng cho hạm đội Nga” và cho nổ cầu Kerch (cầu Crimea).
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine hứa sẽ biến chủ đề bán đảo trở thành “địa ngục” đối với Nga, đồng thời nói thêm rằng “lá cờ Ukraine sẽ được kéo lên trên Simferopol (thủ phủ Crimea)”.
Còn mới đây, hôm 24/3, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky vừa thông qua chiến lược “giải phóng” bán đảo Crimea do Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia của nước này đề xuất trước đó.
“Chiến lược này xác định một loạt các biện pháp ngoại giao, quân sự, kinh tế, thông tin, nhân đạo và các biện pháp khác nhằm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền nhà nước của Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận - thông qua việc giải phóng Crimea khỏi sự chiếm đóng và tái sáp nhập bán đảo”, RIA trích dẫn chiến lược.
Với chiến lược này, Ukraine muốn phát đi tín hiệu rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng nước này có lập trường “nhất quán trong vấn đề khôi phục toàn vẹn lãnh thổ”.
Crimea trở thành một khu vực của Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3/2014, trong đó 96,77% cử tri ở Cộng hòa Crimea và 95,6% cư dân của Sevastopol đã ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau cuộc đảo chính ở Ukraine.
Ukraine vẫn coi bán đảo Crimea là phần lãnh thổ nhưng tạm thời bị chiếm đóng. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng sự sáp nhập của bán đảo Crimea vào Liên bang Nga không hề trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, vấn đề bán đảo Crimea đã hoàn toàn khép lại.