Theo nội dung bức thư của Bộ Nội vụ Đức vừa được hãng thông tấn Reuters thu thập ngày Chủ nhật (26/4) vừa qua, Bộ này đã xác nhận thông tin các nhà ngoại giao Trung Quốc tìm cách tiếp cận một số quan chức chính phủ Đức để đề nghị các quan chức này công khai bình luận tích cực về cách Bắc Kinh xử lý tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).
Cụ thể, Reuters trích dẫn nội dung lá thư đề ngày 22/4 gửi tới nghị sĩ Đảng Xanh Margarete Bause cho biết: "Chính phủ Đức biết về động thái liên hệ cá nhân của một số nhà ngoại giao Trung Quốc, với mục đích khuyến khích [các quan chức Đức] đưa ra những bình luận tích cực về cách chính phủ Trung Quốc xử lý tình hình dịch bệnh".
"Tuy nhiên, chính quyền liên bang đã không làm theo những lời đề nghị nói trên", lá thư này khẳng định.
Trước đó, nghị sĩ Bause đã viết một bức thư chất vấn về thông tin cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên hệ với các quan chức Đức và đưa ra đề nghị nói trên.
Báo Welt am Sonntag là đơn vị đầu tiên của Đức tiết lộ nội dung lá thư hồi âm nghị sĩ Bause của Bộ Nội vụ nước này. Báo này cũng đã trích dẫn một phát biểu trước đó của Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức, phủ nhận thông tin này là sai sự thật và vô trách nhiệm.
Cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đều chưa đưa ra bình luận về nội dung lá thư ngày 22/4 của Bộ Nội vụ Đức, theo Reuters.
Được biết, trong lá thư trên, Bộ Nội vụ Đức cũng nói rằng chính phủ nước này đã công nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến với dịch COVID-19, đặc biệt là sau ngày 23/1, ngay cả khi Bắc Kinh không đề nghị họ làm điều đó.
Bộ này cũng nói rằng Berlin đã nhắc nhở chính phủ Trung Quốc rằng tính minh bạch là điều cần thiết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, nhưng không nói đến lập trường của Đức trong vấn đề Trung Quốc có minh bạch hay không.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ Đức cũng không nhắc đến khoảng thời gian các quan chức Trung Quốc đã tiếp xúc và liên lạc riêng với các quan chức chính phủ Đức.
Trước đó, trong bối cảnh hai nước Mỹ-Trung đang có mâu thuẫn gay gắt về vấn đề che giấu thông tin dịch bệnh, hãng Reuters từng đưa tin về việc Trung Quốc tìm cách ngăn chặn một bản báo cáo của Liên minh Châu Âu (EU) về việc lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19, dẫn lời 4 nguồn tin và tài liệu ngoại giao.