Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), tính đến chiều 25/2, nước này đã ghi nhận thêm 84 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm virus corona mới lên con số 977. Đồng thời, Hàn Quốc có thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong lên con số 10.
Virus corona "đổ bộ" Trung Đông
Ngày 24/2, Bộ Y tế Oman thông báo đã ghi nhận hai trường hợp lây nhiễm Covid-19 đầu tiên tại nước này.
Các ca nhiễm mới nhất là hai phụ nữ người Oman từng tới Iran. Hiện cả hai đều đang trong tình trạng ổn định.
Trước đó, những quốc gia như Kuwait, Iraq, Bahrain... đều có các bệnh nhân là người Iran hoặc từng đến nước này. Nhiều nước láng giềng đã cấm nhập cảnh và đóng cửa biên giới trên bộ với Iran, trong khi một số quốc gia khác đình chỉ các tuyến đường bay tới Iran.
Theo SCMP, tính tới ngày 24/2, số ca tử vong vì Covid-19 tại Iran đã là 12 ca và số ca nhiễm bệnh là 47 ca.
Thành phố Qom của Iran bị coi là tâm dịch ở nước này. Dịch bệnh sau đó lây lan nhanh chóng đến 4 thành phố khác, bao gồm cả thủ đô Tehran.
Trong ngày 24/2, cơ quan truyền thông ILNA của Iran dẫn lời 1 quan chức tại thành phố Qom - ông Ahmad Amiriabadi Farahani - cho biết hiện đã có 250 người bị cách ly trong thành phố và đã có 50 người tử vong do virus corona.
Tuy nhiên, trong thông báo sau đó được Rudaw đăng tải, Ali Rabiei, phát ngôn viên chính phủ Iran phủ nhận thông tin 50 ca tử vong và khẳng định Iran đang "minh bạch" trong quá trình đối phó với dịch bệnh. Số liệu chính thức từ chính phủ Iran vẫn là 12 ca tử vong do corona.
Iraj Harirchi, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran, nói: "Chúng tôi tin vào số liệu của mình và hiện tại không gặp phải vấn đề gì cả".
Kuwait thông báo ca nhiễm bệnh đầu tiên là 3 du khách trở về từ thành phố Mashhad, Iran. Nước này hiện đang đưa 750 công dân từ Iran về nước và tổ chức xét nghiệm khi họ nhập cảnh.
Italy tăng cường kiểm soát
Hiện tại đã có 229 ca được ghi nhận nhiễm virus Corona chủng mới tại Italy. Cụ thể:
Lombardy vẫn là nơi có số người nhiễm cao nhất: 172 ca
Veneto: 33 ca
Emilia-Romagna: 18 ca
Piedmont: 3 ca
Lazio: 3 ca
Hiện có 101 bệnh nhân đang được điều trị và 27 người khác ở trong tình trạng nguy kịch. Ít nhất 94 người đang được cách ly; 7 người tử vong.
Trước đó, theo SCMP, ngày 24/2, sau khi 2 vùng Lombardy và Veneto của Italy bùng phát dịch COVID-19, khoảng 150 người đã nhiễm bệnh và có 3 trường hợp tử vong do loại virus corona chủng mới.
"Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp quyết liệt," thống đốc vùng Veneto Luca Zaia trả lời các phóng viên và cho biết ông sẽ hủy bỏ toàn bộ các sự kiện tại địa điểm công cộng, bao gồm Lễ hội hóa trang Venice nổi tiếng.
Những biện pháp phòng dịch tương tự cũng đã được áp dụng tại Lombardy, nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân và có thành phố Milan, kinh đô thời trang và kinh tế lớn của Italy. Các quán bar, quán rượu và rạp chiếu phim tại đây đều đã đóng cửa.
Hàn Quốc ghi nhận thêm nhiều ca mới
Hàn Quốc hôm thứ Ba cho biết, nước này ghi nhận thêm 60 ca nhiễm mới, đưa số người mắc lên 893 người. Cơ quan y tế nước này cũng cho biết sẽ nhanh chóng tiến hành các xét nghiệm virus Corona chủng mới trên tất cả các tín đồ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa).
Chính phủ cho biết các nhà thờ Tân Thiên Địa đã đồng ý cung cấp danh sách và số liên lạc của các tín đồ để hỗ trợ các nỗ lực kiểm dịch của nhà nước nhằm hạn chế sự lây lan nhanh chóng của Covid-19.
Động thái này được đưa ra khi khoảng 60% các trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới có liên quan đến một nhà thờ Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu. Hàn Quốc đã ghi nhận 833 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới, với 8 ca tử vong.
Thành phố Daegu là nơi có hơn 1 nửa số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc. Tính đến hôm qua, số ca nhiễm COVID-19 tại Daegu vẫn tiếp tục tăng mạnh, thêm 131 người - dù chính quyền địa phương đang rất nỗ lực kiềm chế virus lây lan. Hơn 2,5 triệu cư dân tại thành phố này đã được yêu cầu cách ly tại nhà và hạn chế ra ngoài.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền thành phố Daegu thông báo sẽ tiến hành kiểm tra y tế đối với 28.000 có triệu chứng cúm.
Trung Quốc hoãn kì họp quan trọng
Chiều ngày 24/2/2020, hội nghị lần thứ 16 của Ban thường vụ Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã bế mạc tại Bắc Kinh.
Hội nghị cũng thông qua quyết định liên quan đến việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp Đại biểu Quốc hội toàn quốc lần thứ 3 khóa XIII. Theo đó, thời gian khai mạc kỳ họp Quốc hội sẽ được Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông báo khi có quyết định.
Ít phút sau thông báo của Quốc hội Trung Quốc, đài CCTV đưa tin Ủy ban toàn quốc của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc thông qua kiến nghị "lùi thời gian một cách phù hợp" để tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc, theo kế hoạch ban đầu là khai mạc ngày 3/3 tới.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phải trì hoãn khai mạc Lưỡng hội thường niên trong 35 năm qua. Ngay cả khi dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc đầu năm 2003, Lưỡng hội vẫn được tiến hành đúng kế hoạch.
WHO không công bố "đại dịch"
Reuters dẫn lời ông Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của WHO, cho biết WHO không công bố "đại dịch" vì tổ chức không còn sử dụng thuật ngữ này.
"WHO không sử dụng hệ thống phân cấp cũ và hiện nay cũng không có cấp độ chính thức cho cụm từ 'đại dịch'. Theo Các Quy định Y tế Toàn cầu (IHR), WHO sẽ tuyên bố tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu khi dịch gây ra lo ngại cho toàn thế giới".
Trước đó, hôm 30/1, WHO đã tuyên bố tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu (PHEIC) khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Cuối tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ: "Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng tôi theo dõi tình hình dịch bệnh này 24/7. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn mà cánh cửa cơ hội kiểm soát dịch đang thu hẹp dần".