Covid-19: Chưa kịp khởi sắc, lĩnh vực sản xuất Trung Quốc "trúng đòn", rơi trở lại kịch bản xám xịt

Hải Võ |

Sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc được ghi nhận trong tháng 3/2020 đã không kéo dài - chỉ số PMI Caixin công bố ngày 30/4 thể hiện.

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã bị thu hẹp trong tháng 4, do đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu tiếp tục làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ cả trong nước lẫn quốc tế.

Chỉ số quản lý sức mua (PMI Index) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc do Caixin cung cấp đã hạ xuống 49.4 điểm trong tháng 4, so với mức 50.1 điểm vào tháng 3.

Chỉ số PMI Caixin trên 50 thể hiện các hoạt động sản xuất được mở rộng, trong khi dưới số điểm này cho thấy các ngành sản xuất đang sụt giảm. Trong tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất ở Trung Quốc, PMI Caixin đã giảm xuống 40.3 - mức suy giảm nhanh nhất trong lịch sử 16 năm của chỉ số này.

Dù kinh tế trong nước bắt đầu khôi phục trong tháng 3 sau khi Trung Quốc cơ bản đẩy lùi Covid-19, sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh ở phạm vi thế giới và khu vực đã làm gián đoạn thương mại quốc tế và tiêu thụ toàn cầu, qua đó giáng một đòn mạnh vào các công ty Trung Quốc.

Trong khi đầu ra tiếp tục phục hồi trong tháng 4, các đơn hàng xuất khẩu vẫn đi xuống trong 4 tháng liên tiếp với tốc độ nhanh hơn, và ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008 - trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

"Sự sụt giảm mạnh trong đơn hàng xuất khẩu đã cản trở nghiêm trọng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong tháng 4, dù các doanh nghiệp đã dần trở lại làm việc," Zhong Zhengsheng - giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại CEBM Group, thuộc Caixin Insight Group - bình luận.

"Trong cơn sốc thứ hai từ đại dịch, những vấn đề như lòng tin doanh nghiệp thấp, công ăn việc làm giảm và lượng tồn kho nguyên liệu thô lớn đã trở nên nghiêm trọng hơn," ông Zhong nói. 

"Một gói chính sách kinh tế vĩ mô - như đề cập trong cuộc họp ngày 17/4 của Bộ chính trị Trung Quốc - phải được thực thi khẩn cấp. Điều này đặc biệt cần thiết để hỗ trợ những mắt xích yếu, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như thu nhập cá nhân."

Bộ chính trị Trung Quốc hôm 17/4 cam kết sẽ vận dụng công cụ chính sách kinh tế vĩ mô mạnh mẽ hơn để giảm nhẹ tác động của Covid-19, thực thi chính sách tài chính chủ động hơn, tăng thâm hụt ngân sách, giảm lãi suất và tài trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các chính sách và kế hoạch kinh tế then chốt - bao gồm chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm và thâm hụt ngân sách - thông thường được thông báo tại kỳ họp thường niên vào tháng 3 của Quốc hội Trung Quốc. Do dịch Covid-19, kỳ họp năm nay đã được ấn định khai mạc vào ngày 22/5.

Nhiều nhà kinh tế kêu gọi chính phủ Trung Quốc từ bỏ việc thiết lập một chỉ số GDP mục tiêu, trong bối cảnh nước này đối diện nhiều nhân tố bất ổn về nhu cầu cả bên trong và ngoài nước.

Dịch Covid-19 bùng phát và các nỗ lực chống dịch của chính phủ đã làm tổn hại nền kinh tế Trung Quốc trong Quý I năm nay. GDP giảm 6.8% so với cùng kỳ năm 2019, lần đầu tiên kể từ năm 1992 - theo số liệu của Tổng cục thống kê nhà nước (NBS).

Để hỗ trợ nền kinh tế và giúp các doanh nghiệp đang khó khăn, Trung Quốc ban hành loạt biện pháp như giảm chi phí vốn vay, giải phóng nhiều tỷ nhân dân tệ thanh khoản để khuyến khích các khoản tín dụng ở ngân hàng, cắt giảm hoặc miễn các loại thuế phí, và đưa chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đo dịch.

Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đang tăng cường biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp và gia đình thu nhập thấp.

Covid-19: Chưa kịp khởi sắc, lĩnh vực sản xuất Trung Quốc trúng đòn, rơi trở lại kịch bản xám xịt - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại