Thêm một số nước ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh giữa lúc nỗ lực tiêm chủng Covid-19 được đẩy mạnh.
Danh sách các nước phát hiện biến thể mới nói trên (gọi là VUI-202012/01 và được cho là lây nhanh hơn các biến thể khác) có thêm 2 cái tên Mỹ và Chile hôm 29-12. Tại Mỹ, người nhiễm biến thể mới là một thanh niên sống tại bang Colorado và không có lịch sử đi lại gần đây. Giới chức y tế địa phương cho biết vẫn đang điều tra nguồn gốc lây nhiễm. Dù vậy, theo báo The Guardian, một số chuyên gia nhận định phát hiện này cho thấy biến thể mới có thể đang lây lan trong các cộng đồng ở Mỹ.
Trong khi đó, Chile xác nhận ca nhiễm VUI-202012/01 đầu tiên ở châu Mỹ Latin. Bệnh nhân là một phụ nữ Chile trở về từ TP Madrid - Tây Ban Nha hôm 21-12 và cũng từng đến Anh. Nhà chức trách Chile sau đó thông báo những ai nhập cảnh nước này từ ngày 31-12 sẽ phải bị cách ly 10 ngày. Trước đó, nước này cũng thuộc hơn 50 quốc gia tạm cấm các chuyến bay thẳng từ Anh trong nỗ lực ngăn biến thể mới lây lan.
Thủ tướng Anh Boris Johnson từng cảnh báo biến thể mới có thể lây nhanh hơn đến 70% so với chủng gốc. Trong khi đó, theo nghiên cứu vừa được Cơ quan Y tế công cộng Anh công bố hôm 29-12, VUI-202012/01 dường như không gây triệu chứng bệnh nặng hơn so với các biến thể khác. Dù vậy, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cùng ngày nhấn mạnh khả năng VUI-202012/01 lây lan cao hơn có thể dẫn tới số ca nhập viện và tử vong tăng lên, đồng thời gây thêm sức ép lên hệ thống y tế.
Tương tự, ông Andrew Hayward, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Anh, cảnh báo về nguy cơ xảy ra "thảm họa" trong những tuần tới nếu chính phủ không có hành động cứng rắn hơn để đối phó VUI-202012/01. Thêm 53.135 trường hợp mắc Covid-19 mới được xác nhận hôm 29-12, con số cao nhất kể từ giữa năm 2020. Thủ tướng Johnson đã thông qua việc nâng hạn chế lên mức cao nhất (cấp 4) ở nhiều vùng của đất nước.
Trong lúc này, cuộc chiến chống Covid-19 ở Anh có thêm một "vũ khí" mới sau khi vắc-xin do hãng dược AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Trường ĐH Oxford (Anh) phát triển được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 30-12. Với bước đi này, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bật đèn xanh cho loại vắc-xin mà họ đặt mua khoảng 100 triệu liều. Theo Reuters, kết quả một số thử nghiệm cho thấy vắc-xin của AstraZeneca-Oxford có hiệu quả khoảng 70,4%. AstraZeneca-Oxford và các nhà sản xuất vắc-xin khác cho biết họ đang nghiên cứu tác động của biển thế mới và hy vọng vắc-xin của họ có thể chống lại nó. Trước mắt, theo báo Financial Times (Anh), việc phê chuẩn vắc-xin AstraZeneca-Oxford có thể thúc đẩy đáng kể chương trình tiêm chủng ở Anh vì sản phẩm này có thể được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C nên dễ phân phối hơn so với vắc-xin Pfizer-BioNTech (phải lưu trữ ở nhiệt độ âm 70 độ C).
Cũng trong ngày 30-12, Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) công bố vắc-xin Covid-19 của họ cho hiệu quả 79,34% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Con số này thấp hơn mức 86% được Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) công bố hôm 9-12 khi vắc-xin được thử nghiệm ở nước này. Sinopharm từ chối giải thích sự khác biệt này mà chỉ cho biết đang tìm kiếm sự phê duyệt để vắc-xin được sử dụng đại trà tại Trung Quốc. Vắc-xin của Sinopharm là một trong 5 ứng viên sáng giá của Trung Quốc và đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước.
Singapore bắt đầu tiêm chủng Covid-19
Một nữ y tá 46 tuổi trở thành người đầu tiên ở Singapore được tiêm vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech hôm 30-12, qua đó trở thành một trong những nước châu Á đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng này. Bộ Y tế Singapore thông báo bà Sarah Lim, nữ y tá tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia, thuộc số hơn 30 nhân viên của trung tâm được tiêm vắc-xin. Họ sẽ nhận mũi tiêm thứ 2 vào ngày 20-1-2021.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông sẽ thuộc nhóm người được tiêm chủng sớm. Được biết, việc tiêm vắc-xin sẽ được miễn phí và không bắt buộc. Theo Reuters, Singapore là nước châu Á đầu tiên phê duyệt vắc-xin Pfizer - BioNTech. Quốc gia này cũng ký các thỏa thuận đặt hàng trước và thanh toán sớm cho một số ứng viên vắc-xin khác, trong đó có sản phẩm của 2 công ty Moderna (Mỹ) và Sinovac (Trung Quốc). Singapore hy vọng sẽ có đủ liều vắc-xin để tiêm cho 5,7 triệu người vào quý III/2021.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiêm vắc-xin cho những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, như nhân viên y tế theo chương trình khẩn cấp bắt đầu từ tháng 7. Còn tại Nhật Bản và Hàn Quốc, quân đội Mỹ đã bắt đầu tiêm vắc-xin cho binh sĩ mình đang đồn trú ở đó, với sự ưu tiên dành cho nhân viên y tế quân sự và dân sự ở tuyến đầu.
Bảo Hạnh