Với sự gia tăng chóng mặt số ca phải nhập viện do mắc Covid-19, hệ thống y tế ở nhiều bang của Mỹ đang phải hoạt động gần như hết công suất.
Bác sỹ Shamit Patel ở bệnh viện thành phố New York đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong vài ngày tới, dù hy vọng mình sẽ không rơi vào tình huống phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị.
10 ngày trước, chỉ có một nửa số bệnh nhân của vị bác sỹ nội khoa 46 tuổi tại bệnh viện Beth Israel ở Manhattan – là những người phải điều trị do mắc Covid-19.
“Hiện tại chúng tôi vẫn chưa bị quá tải, nhưng chúng tôi đang lên kế hoạch để đối phó khi tình huống quá tải xảy ra”, Patel nói.
Sự gia tăng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Beth Israel cũng tương tự như những gì đang ngập tràn thành phố New York, nơi cách đây 2 tuần mới chỉ ghi nhận 463 ca mắc Covid-19 nhưng đã lên tới 36.000 ca mắc tính đến 30/3 (theo giờ địa phương).
“Với tốc độ hiện tay, tôi nghĩ dịch sẽ chạm đỉnh trong khoảng cuối tuần này đến tuần sau”, Patel nói.
Với sức ép vô cùng lớn suốt 2 tuần qua, bác sỹ Patel đã phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, dù cả anh và các đồng nghiệp đều không muốn sẽ phải chứng kiến điều đó.
Đối với Patel, kịch bản xấu nhất sẽ tương tự như một số vùng ở Italy, nơi mà hệ thống y tế đã quá tải tới mức họ không thể chăm sóc tất cả các bệnh nhân.
“Bạn sẽ phải nhanh chóng hơn khi quan sát, đánh giá và lên kế hoạch điều trị cho mỗi bệnh nhân”, Patel dự đoán, đồng thời nhấn mạnh, các bệnh viện ở New York sẽ có lượng bệnh nhân tăng gấp đôi hay gấp 3 so với hiện nay.
“Bạn thực sự không thể tiếp nhận tới hơn gấp 3 lần số bệnh nhân mà bạn đang chăm sóc mỗi ngày và vẫn điều trị hiệu quả cho từng người”, Patel nhấn mạnh.
“Cân nhắc và Lựa chọn”
Ngoài sự hạn chế về số nhân viên y tế, Patel đang lo ngại về việc thiếu thiết bị y tế, đặc biệt là máy trợ thở. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasion vẫn nói về điều này gần như hàng ngày, rằng hầu như tất cả các bệnh viện đều đang cần có thêm máy trợ thở để điều trị các bệnh nhân Covid-19.
“Nếu số lượng bệnh nhân tăng đột biến, và bạn chỉ có một số lượng hạn chế máy trợ thở, bạn không thể dùng nó cho tất cả các bệnh nhân. Khi đó, bạn sẽ phải bắt đầu cân nhắc và lựa chọn”, Patel nói.
Bên ngoài bệnh viện, Patel cũng đang lo ngại về khả năng lây nhiễm bệnh cho những người trong gia đình anh. Anh sống cùng người cha 80 tuổi, người mắc bệnh Parkinson, và người cô mắc bệnh ung thư.
“Tôi không muốn trở về nhà nhưng vẫn phải làm vậy vì tôi không nghĩ họ có thể tự chăm sóc tốt cho mình”, anh nói.
Patel vẫn duy trì khoảng cách tối thiểu 2 mét và sử dụng khăn lau kháng khuẩn thường xuyên, trong khi vẫn đảm bảo những người thân của mình có đủ đồ ăn.
“Phần lớn thời gian tôi ở trong phòng mình và sau đó tôi đi ra ngoài và thi thoảng kiểm tra họ”, Patel nói.
Tuy nhiên, căng thẳng và lo lắng luôn hiện hữu, cả ở nhà cũng như ở bệnh viện, không chỉ với Patel mà còn với cả các đồng nghiệp của anh, nhưng tất cả đều đang tham gia vào một cuộc “chạy marathon” như những gì Thống đốc bang New York đã từng nói về cuộc chiến chống dịch Covid-19.
“Nếu đó là điều gì đó đang lên cao trào, và nó sẽ đi xuống sau khi chạm đỉnh, thì chúng tôi có thể duy trì trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu phải liên tục chống đỡ suốt hàng tháng trời, thì khó có thể duy trì được lâu”, Patel nói./.