Tại Trung Quốc, có gần 500 công ty đang sản xuất xe điện (EV) sống nhờ các khoản trợ cấp lớn của chính phủ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp. Nhưng hiện giờ, thời thế đang xoay chuyển và ngày càng có nhiều đơn vị đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn chỉ để cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh.
Nio là một điển hình trong số đó. Đây là một trong những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện hàng đầu, được thành lập vào năm 2014 và có trụ sở tại Thượng Hải. Năm 2017, khi ra mắt dòng SUV điện ES8, Nio đã chính thức thách thức Tesla với mong muốn nhằm đánh bật công ty Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc. Lòng tự tin của công ty này càng tăng thêm khi gọi vốn được khoảng 1,15 tỷ USD trong đợt chào bán công khai đầu tiên tại Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 9/2018.
Nio ES8, mẫu xe điện mang "niềm hi vọng" của thị trường Trung Quốc, đã bị thu hồi do lỗi pin.
Tuy nhiên, các báo cáo mới đây cho thấy Nio đã cắt giảm thêm khoảng 1.000 nhân viên, sau đợt sa thải 70 nhân viên từ văn phòng ở Thung lũng Silicon hồi tháng 4. Việc sa thải chủ yếu đến từ bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) và bộ phận tiếp thị, mà đại diện Nio cho biết là để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Nhưng đó chưa phải là toàn bộ rắc rối mà công ty này phải đối mặt. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, Nio đã chứng kiến sự thua lỗ và mất hơn 390 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2019. Công ty cũng vừa bán đi Formula E, một đội đua xe máy điện, từng có đóng góp lớn cho sự nổi tiếng của công ty.
Nhưng Nio không phải là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện duy nhất đang đi trên con đường gập ghềnh. Từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, ít nhất 5 chiếc xe điện đã bị cháy ở Trung Quốc, khiến chính phủ nước này phải ra lệnh kiểm soát an toàn đối với tất cả các công ty sản xuất trong ngành. Nio sau đó đã phải đưa ra lệnh thu hồi gần 5.000 chiếc xe vào tháng 6, với lý do có lỗi về pin cho mẫu SUV ES8, thứ từng được xem là "bàn đạp" để đánh đuổi Tesla.
Một công ty xe điện khác mới đây cũng đã tự "đem đá đập chân" do quá háo hức muốn chiếm lĩnh thị trường bằng sản phẩm mới. Tháng trước, Xpeng Motors đã khiến người dùng của mẫu G3 tức giận khi phát hành một mẫu xe được tân trang từ G3, với thiết kế hiện đại hơn nhưng lại có giá thấp hơn bản vừa ra mắt.
Xpeng Motors giới thiệu mẫu G3 ở triển lãm ô tô quốc tế Quảng Châu, tháng 11/2018.
Ngay sau đó, rất nhiều người đã tập trung biểu tình tại trụ sở của công ty ở Quảng Châu, với các tuyên bố nói rằng công ty đã có dấu hiệu cố tình lừa đảo. Bởi khi mua hàng, các nhân viên nói rằng mẫu ban đầu có thể sắp tăng giá, nhằm khuyến khích người dùng mua nhanh kẻo hết.
Theo các chuyên gia đánh giá, dường như chính chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đã góp phần làm cho thị trường xe điện tăng trưởng quá nóng. Khoản trợ cấp lớn mà nó dành cho người mua xe điện, đạt đỉnh vào năm 2014 ở mức 100.000 nhân dân tệ (khoảng 6.000 USD), đã kích hoạt nguồn lực đầu tư dồi dào vào các làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Nhưng khi chính phủ dần thu nhỏ lại các khoản trợ cấp trong thời gian gần đây, thị trường nhanh chóng thể hiện dấu hiệu suy thoái.
Một giám đốc điều hành của công ty trong ngành dự đoán rằng 80% các công ty khởi nghiệp hiện tại có thể sẽ biến mất. Các báo cáo ban đầu cho thấy nhiều công ty nhỏ đã có dấu hiệu chậm lương và sa thải nhân viên.
Tham khảo Abacus News