Một biển cấm tàu thuyền mà công ty China Bloom đặt trên đảo Keswick (Ảnh: News.com.au)
Người dân ở đây cho biết họ không thể trở về nhà kể từ khi doanh nghiệp bất động sản China Bloom (Trung Quốc) kí hợp đồng thuê 99 năm đảo Keswick vào năm 2019.
“Tôi không nghĩ rằng họ muốn có người bản xứ sống trên đảo,” cựu cư dân Julie Willis nói với chương trình tin tức A Current Affair (Australia).
“Tôi nghĩ rằng họ muốn hòn đảo này chỉ phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc mà thôi.”
China Bloom còn cấm người dân trên đảo sử dụng ứng dụng Airbnb để cho thuê nhà. Người dân cho rằng lệnh cấm này đã hủy hoại ngành du lịch tại đây và khiến cho du khách không thể tiếp cận với hòn đảo từ đường hàng không, đường bộ và đường biển.
“Không một khách du lịch nào đến đây kể từ tháng 9 năm ngoái,” cựu cư dân Rayna Asbury nói.
Căng thẳng liên quan đến hòn đảo ở Australia đã gia tăng khi người dân bản địa cùng những người ủng hộ ngày 5/12 lên kế hoạch "chiếm đóng" một bãi biển mà nhà thầu Trung Quốc đòi "trục xuất" họ.
Vẻ đẹp của Vịnh Basil nổi tiếng ở đảo Keswick. Hợp đồng cho thuê chính đối với đảo Keswick đã được bán cho nhà phát triển Trung Quốc vào năm 2018 (Ảnh: News.com.au)
Đảo Keswick, thuộc sở hữu của chính quyền bang Queensland, đã được công nhận là một công viên quốc gia. Văn phòng Tài nguyên Queensland nói rằng họ hy vọng rằng các vấn đề phát sinh giữa cư dân trên đảo và China Bloom đều sẽ được giải quyết.
“Trách nhiệm của văn phòng là làm việc với cả bên thuê là China Bloom và những bên thuê lại để đảm bảo tất cả các hoạt động liên quan phù hợp với các điều khoản của hợp đồng cho thuê, đặc biệt là khi China Bloom đang tiến hành nâng cấp hệ thống đường giao thông, chỗ neo đậu thuyền, cầu cảng và cơ sở hạ tầng hàng hải trên đảo,” Văn phòng thông báo.
Quan hệ song phương giữa Australia và Trung Quốc gần đây liên tục diễn biến xấu, mới nhất là sự việc hình ảnh thiết kế thể hiện một binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ Afghanistan đã được người phát ngôn Bộ Ngoại Trung Quốc Triệu Lập Kiên chia sẻ trên Twitter.
Chính phủ Trung Quốc từ chối đưa ra lời xin lỗi theo yêu cầu của Thủ tướng Australia Scott Morrison về bức ảnh mà chính phủ Australia gọi là “giả mạo”.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus