Công ty Đài Loan mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, làng công nghệ lại dậy sóng với nguy cơ 'chiến tranh thương mại' 2.0

Thu Hương |

TSMC trở thành trung tâm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn mới, có thể được ví như 1 tài sản có giá trị rất lớn mà cả hai bên đều đang nỗ lực tìm cách kiểm soát.

Kể từ khi thành lập cách đây hơn 3 thập kỷ, nhà sản xuất chip nổi tiếng của Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) trở nên thành công nhờ "đứng sau cánh gà" phục vụ những ông lớn như Apple và Qualcomm, góp phần không nhỏ giúp họ "tỏa sáng". Giờ đây công ty này lại đang được nhiều người chú ý đến nhưng lại bởi lý do không được vui vẻ cho lắm: TSMC trở thành trung tâm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn mới, có thể được ví như 1 tài sản có giá trị rất lớn mà cả hai bên đều đang nỗ lực tìm cách kiểm soát.

Cuối tuần trước, chính quyền Trump có động thái đẩy thương chiến lên 1 nấc thang mới khi ra lệnh cấm bất kỳ nhà sản xuất chip nào đang sử dụng thiết bị do Mỹ sản xuất cung ứng sản phẩm cho tập đoàn Huawei nếu chưa được Mỹ cấp phép. Điều đó có nghĩa là TSMC và các công ty tương tự sẽ phải ngừng làm ăn với Huawei trừ khi được Bộ Thương mại Mỹ đặc biệt cho phép. Nikkei đưa tin TSMC đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ Huawei.

Công ty Đài Loan mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, làng công nghệ lại dậy sóng với nguy cơ chiến tranh thương mại 2.0 - Ảnh 1.

Diễn biến mới đe dọa sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn cho hệ sinh thái phức tạp của giới công nghệ. Đòn tấn công này không chỉ đe dọa các công nhân và vị trí dẫn đầu thị trường smartphone và thiết bị viễn thông của Huawei mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm nhà cung ứng của họ. Đáp lại, Chính phủ Trung Quốc cũng hùng hồn tuyên bố sẽ bảo vệ Huawei đến cùng, đe dọa sẽ trả đũa bằng cách nhằm vào các công ty Mỹ đang phải phụ thuộc vào Trung Quốc như Apple và Boeing.

"Trung Quốc chắc chắn sẽ báo thù, và các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh thương mại leo thang", nhóm chuyên gia phân tích của Stanford C. Bernstein nhận định trong một báo cáo.

Phiên hôm qua cổ phiếu của các nhà cung ứng cho Huawei trên khắp châu Á đã lao dốc mạnh. Cổ phiếu AAC Technologies, Q Technology Group, Sunwoda Electrnic và Lens Technology đồng loạt giảm tối thiểu 5%. TSMC – với khoảng 14% doanh thu là từ Huawei – giảm 2,5%.

Năm ngoái bằng cách cho Huawei vào danh sách đen Mỹ cũng đã ngăn cản các công ty Mỹ cung ứng cho Huawei trừ khi được cấp phép. Lần này lệnh cấm áp dụng với cả các công ty nước ngoài. Nhưng không chỉ Huawei và TSMC mà rất nhiều công ty Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Có lẽ nhà sáng lập Morris Chang cũng không thể tưởng tượng 1 ngày TSMC lại trở thành "quân bài" được 2 cường quốc lớn nhất thế giới thèm muốn như hiện nay. Sinh ra ở Trung Quốc nhưng lớn lên ở Mỹ, năm 1987 ông lập ra công ty cung cấp chip bán dẫn cho bất kỳ khách hàng nào không muốn tự xây dựng hệ thống sản xuất chip vốn rất tốn kém.

Ở thời điểm đó, ý tưởng của TSMC không được ủng hộ bằng tự việc tự mình sản xuất chip. Thống trị ngành là những công ty như Intel và AMD. Thậm chí nhà đồng sáng lập Jerry Sanders của AMD từng nói rằng "những gã đàn ông thực thụ nhất định phải có nhà máy".

Nhưng trong những năm tiếp theo, thời thế thay đổi. Những khách hàng từ Apple và Huawei cho đến Qualcomm và Nvidia nhận thấy họ có thể sáng tạo, phát triển nhanh hơn nếu chỉ tập trung vào công đoạn thiết kế chip và giao cho những công ty như TSMC sản xuất chúng. Những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo hay Internet vạn vật cũng dựa vào những công ty như TSMC để khai phá thị trường mới.

Công ty Đài Loan mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, làng công nghệ lại dậy sóng với nguy cơ chiến tranh thương mại 2.0 - Ảnh 2.

Ngày nay rất nhiều chip sử dụng trong điện thoại di động, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ quan trọng khác là do TSMC sản xuất. TSMC hiện là công ty đứng đầu trong lĩnh vực gia công chip nhờ đầu tư mạnh tay vào các nhà máy tân tiến nhất. Hiện hãng có thể sản xuất chip 5 nanomet, trong khi công ty hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, hiện vẫn đang cung cấp chip 14 nanomet. Chip của TSMC mạnh hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn đáng kể.

Đối với bản thân TSMC, ngày càng khó giữ thái độ trung lập trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang như hiện nay. Công ty tự nhận mình là "nhà máy của tất cả mọi người". Công ty cung ứng cho những khách hàng Trung Quốc như Huawei và cả quân đội Mỹ, đồng thời cũng dựa vào những nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Mỹ như Applied Materials và Lam Research.

Tuần trước, TSMC đã bước 1 bước gần hơn với Mỹ khi tuyên bố xây dựng 1 nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng nhà máy ở nước ngoài sẽ dễ dàng bị tấn công mạng và chuyển nhà máy đến Mỹ sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định hơn.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại