Cổng trường bị sập ở Lào Cai: trụ gạch không cốt thép có bất thường?

An Kiên |

Không chỉ cổng, mà các tường bao cũng nguy cơ mất an toàn; trong khi các hạng mục này, nhất là cổng trường bắt buộc phải có theo quy định để nhận diện cơ sở giáo dục...

Liên quan đến vụ việc sập cổng điểm trường bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai sau khi nhóm học sinh đu bám khiến 6 em nhỏ thương vong hôm 7/9, dư luận rất quan tâm khi trụ cột chiếc cổng bị gãy bên trong chỉ có gạch vữa, không có cốt thép. Phóng viên VOV đã tìm hiểu thông tin sơ bộ về công tác đầu tư hạng mục này từ phía chính quyền địa phương.

Theo đó, phần trụ cổng được thiết kế với kích thước 500x500mm, xây bằng gạch đặc mác 75, vữa xi măng mác 50, bên ngoài quét vôi ve. Dự toán kinh phí sau thuế cho hạng mục cổng rào điểm trường Bản Phung là 72 triệu, trong đó bóc tách riêng phần cổng, bao gồm trụ và cánh cổng kim loại có giá hơn 14 triệu. Trọng lượng mỗi cánh cổng trên 80kg. Chủ đầu tư xây dựng là UBND xã Khánh Yên Thượng, đơn vị thi công là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng H.A, hạng mục hoàn công hồi cuối năm 2016.

Trả lời câu hỏi cổng thiết kế xây kiểu trụ gạch, tức không có cốt thép bên trong có bất thường không? Ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết, điều này hoàn toàn bình thường, thậm chí khá phổ biến ở vùng cao Lào Cai. “Thiết kế cũ thường xây kiểu trụ gạch. Trước đây do tình hình khó khăn, điểm trường ở xa nên thường dùng vật liệu thông thường, xây trụ gạch cho tiện dụng”, ông Hoan cho biết.

Theo ông Hoan, nếu so sánh, cổng xây bê tông cốt thép chắc chắn là tốt hơn, nhưng chi phí cao hơn, với địa bàn nhiều nơi khó khăn như Văn Bàn, có tới 85 điểm trường lẻ thì việc đầu tư luôn là bài toán khó. Còn cổng trụ gạch nếu xây đảm bảo vẫn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Còn phần cổng bị sập có đảm bảo hay không, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Khách quan mà nói, không có cổng nào thiết kế để chịu thêm một lúc nhiều học sinh đu nghịch trên đó.

“Sau vụ việc này, chúng tôi cũng đã chỉ đạo khẩn trương rà soát về tổng quan cơ sở vật chất của tất cả các trường học trên địa bàn huyện, để từ đó đánh giá chi tiết và có hướng chỉ đạo khắc phục đảm bảo an toàn”, ông Hoan nói. Việc khắc phục trên tinh thần tập trung vào những hạng mục nguy cơ mất an toàn trước, chứ không cào bằng bằng cách đập bỏ hết để xây mới, vì theo ông Hoan, năm nay, nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ bản của huyện hết sức eo hẹp.

Vẫn đang trong mùa mưa lũ, ông Hoan cũng bày tỏ lo lắng vì đặc thù vùng cao quỹ đất hạn chế, các điểm trường thường nằm cheo leo trên đồi cao, đất dốc, mỗi khi mưa lớn thường hay sạt lở. Không chỉ cổng, mà các tường bao cũng nguy cơ mất an toàn; trong khi các hạng mục này, nhất là cổng trường bắt buộc phải có theo quy định để nhận diện cơ sở giáo dục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại