Công Phượng trong nỗi nhớ… Toshiya Miura

Đoàn Dự |

Công Phượng vẫn ổn trong màu áo các đội tuyển trẻ VN, bằng chứng là ở SEA Games, cầu thủ này chơi không tồi trước khi nhạt nhòa và sai lầm trước Thái Lan. Song trên ĐTQG thì khác.

Tại sao Công Phượng đá hay ở các cấp độ trẻ nhưng thường nhạt nhòa trên ĐTQG?

Đấy là câu hỏi đang đau đáu trong lòng nhiều người yêu mến CP10, bởi họ muốn được nhìn thấy một Công Phượng "người lớn" tiếp tục tỏa sáng, chứ không phải chìm vào bế tắc như hồi AFF Cup hay trước Campuchia vừa rồi.

Văn Toàn chơi chẳng tốt ở HAGL, tại cấp độ trẻ cũng không "sáng" bằng Công Phượng nhưng trên ĐTQG thì trái ngược, Toàn chơi rất tốt, hơn Phượng rất nhiều.

Câu trả lời chẳng có gì xa lạ, vẫn nằm ở lối chơi của Công Phượng mà thôi. Ở các cấp độ trẻ, những hàng phòng ngự thường còn yếu kém và thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, Công Phượng nghiễm nhiên được coi là siêu sao, dễ dàng được đồng đội tạo điều kiện.

Hai yếu tố đó kết hợp khiến cho lối chơi cá nhân của Công Phượng vẫn phát huy tác dụng, có thể giúp ngôi sao này tạo nên các khoảnh khắc làm nổ tung cầu trường, hoặc thu hút được hậu vệ đối phương và tạo khoảng trống cho đồng đội.

Công Phượng trong nỗi nhớ… Toshiya Miura - Ảnh 1.

Công Phượng mờ nhạt trước Campuchia.

Nhưng trên cấp độ ĐTQG thì khác. Các hàng thủ kinh nghiệm hơn, tài năng hơn rất nhiều. Thêm vào đó, các đồng đội cũng là những ngôi sao "có số má" và trình độ nên đương nhiên không thể cứ mãi hy sinh các pha bóng cho CP10 loay hoay tìm cách xử lý.

Chính vì sự khác biệt như vậy nên trên ĐTQG, Công Phượng chẳng mấy khi tỏa sáng và nếu có ra sân từ đầu thì cũng bị thay ra sớm, hoặc phải vào sân từ băng ghế dự bị. Tại AFF Cup 2016, HLV Hữu Thắng đã từng cố đặt kì vọng vào Công Phượng. Đó cũng chính là 1 trận đấu gặp Campuchia ở vòng bảng nhưng rồi chỉ thu được thất vọng, giống hệt HLV Mai Đức Chung.

Vậy trên ĐTQG phải loại Công Phượng ư?

Đặt ra câu hỏi này, người viết lại nhớ đến HLV Toshiya Miura. Dưới thời HLV Miura, Công Phượng cũng từng có thời điểm thi đấu rất tệ, điển hình là quá trình chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á.

Nhưng rồi khi giải đấu diễn ra, CP10 đã chơi khác hẳn, đầy tinh thần đồng đội mà vẫn khôn khéo, biết lựa chọn thời điểm để bùng nổ cá nhân. Điển hình là trận U23 Việt Nam thắng U23 Malaysia ngày 27/3/2015. Công Phượng đã có 1 pha kiến tạo cho Huy Toàn ghi bàn rồi sau đó tự mình sút tung lưới đối phương.

U23 Malaysia 1-2 U23 Việt Nam

Với kỉ luật thép của người Nhật, ông Miura đã gò Công Phượng đâu ra đấy, buộc ngôi sao này phải chơi một cách đồng đội hơn nhưng vẫn thả lỏng CP10 ở mức độ nhất định để không làm mất đi phẩm chất kĩ thuật của cầu thủ này.

Trong đội hình của HLV Miura, Công Phượng không làm mất đi tính cân bằng của toàn đội mà hòa nhịp và cùng nhau tỏa sáng.

Sau chiến thắng 2-1 của ĐTVN trước Campuchia, bóng đá Việt Nam rồi đây sẽ lại tìm một thuyền trưởng mới. Người đấy chắc chắn sẽ không phải ông Miura nhưng mong rằng vị thuyền trưởng sắp tới có đủ cái uy và tầm nhìn để gò Công Phượng vào khuôn khổ cũng như đưa bóng đá Việt Nam tới những đỉnh cao khác ngoài chức vô địch AFF Cup đã mãi từ năm 2008.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại