1. Sau trận thua thứ 5 liên tiếp của Incheon United, cuối cùng sau những màn tung hô rầm rộ, báo chí Hàn Quốc rốt cuộc cũng đã trả Công Phượng về đúng vị trí của mình, với nhận định của phóng viên Seo Ho-joong viết trên tờ Goal phiên bản Hàn Quốc. Cây bút này nhận xét: "Những gương mặt mới gia nhập Incheon United nhận được sự kỳ vọng lớn nhưng chưa thể để lại dấu ấn nào. Hai cầu thủ nước ngoài là Công Phượng và Hamad chưa chứng tỏ được giá trị bản thân".
Nhận xét này quả là một "gáo nước lạnh", so với những gì tiền đạo người Nghệ An nhận được từ truyền thông Hàn Quốc ở vài trận đấu trước, với những "Công Phượng sẽ là Park Ji-sung của Việt Nam", "Công Phượng sẽ là trụ cột của hàng công Incheon United trong tương lai", thậm chí một BLV bóng đá kỳ cựu người Việt còn đi xa hơn: "Cầu thủ Incheon United đá còn không bằng Công Phượng thì học cái gì?".
Màn trình diễn của Công Phượng trước Ulsan Hyundai
Chỉ sau trận đầu tiên Công Phượng được ra sân đá chính ở K.League 1, ngập tràn trên truyền thông Hàn Quốc là những bài viết, những thước phim được "găm sẵn" để tung ra, mô tả tiền đạo này như một ngôi sao đích thực, đến Hàn Quốc với nhiệm vụ "cứu rỗi" đội bóng luôn nằm ở "lằn ranh đỏ" trụ hạng suốt những mùa bóng qua.
Ánh hào quang lung linh mà truyền thông Hàn Quốc dựng nên ấy làm cho người hâm mộ Việt Nam rơi vào ma trận ảo tưởng về chính thần tượng của mình, thậm chí còn làm cho những chuyên gia bóng đá Việt Nam cũng ngộ nhận luôn về khả năng của ngôi sao người Việt này, tương tự như những gì được dành cho Xuân Trường trong màu áo đội bóng đương kim vô địch Thái Lan, rằng: "Nếu Buriram United xây dựng lối chơi xung quanh Xuân Trường, bố trí người phục vụ Trường thì tôi cũng không ngạc nhiên".
Nó làm người ta quên đi con số thống kê lạnh lùng chỉ ra rằng suốt 5 trận được ra sân cùng Incheon United, Công Phượng chưa tung được bất cứ cú sút nào về phía khung thành đối phương, và Công Phương được tung vào sân thay người, chạm bóng, là đội bóng Hàn Quốc lại nhận thêm bàn thua, mà không thể ghi được bất kỳ bàn thắng nào.
Vòng 7 K.League 1 2019: Incheon United 0-3 Ulsan Hyundai
2. Dẫu sao, dù cho Incheon United đang chìm sâu dưới đáy bảng xếp hạng với phong độ thảm họa, trong khi đó Buriram United của Xuân Trường đang lừng lững chiếm ngôi đầu Thai.League, thì Công Phượng vẫn may mắn hơn nhiều so với người đồng đội ở CLB HAGL khi liên tiếp được ra sân, ở chính đội bóng mà 3 năm về trước Xuân Trường thậm chí còn không có được cơ hội của mình.
Sau những màn tung hô, là áp lực nặng nề đang đè nặng những bước chân của Công Phượng. Thậm chí tiền đạo người Nghệ An từng tâm sự rằng mình thà mất tiền, chứ không muốn phải trả lời phỏng vấn truyền thông Hàn Quốc. Nhưng với Công Phượng, chẳng phải áp lực là điều anh quá quen rồi sao?
Trong màu áo HAGL và các đội tuyển Việt Nam, đây đâu phải là lần đầu tiên Công Phượng phải đối diện với áp lực cả trong và ngoài sân cỏ, từ nghi án "ăn gian tuổi", chuyện yêu đương với Hòa Minzy cho đến phong độ trên sân cỏ. Nhưng cứ mỗi lần áp lực đè nặng lên vai, lại là một lần Công Phượng vượt qua để bứt mình lên phía trước.
Về mặt chuyên môn, việc được ra sân khá thường xuyên trong màu áo Incheon United đem lại rất nhiều điều có lợi cho Công Phượng, dẫu những màn trình diễn của chân sút này vẫn cực kỳ nhạt nhòa. Có bị "cô lập", luôn phải nhận bóng từ các đồng đội Hàn Quốc trong tư thế khó, Công Phượng mới càng hiểu thêm về thực lực của mình, về sự "nuông chiều" trong màu áo HAGL, cũng như dưới trướng của HLV Park Hang-seo.
Ở Thái Lan, Xuân Trường thậm chí đã thuê HLV riêng cho mình để nâng cao thể lực - điểm yếu cố hữu của những cầu thủ xuất thân từ lò HAGL. Trong khi đó trên đất Hàn, người ta vẫn thấy một Công Phượng tuy máu lửa, năng nổ, nhưng vẫn trung thành với lối chơi sở trường của mình, với những pha đi bóng đầy tự tin trước đối thủ, nhưng luôn gieo sự sự hãi cho các đồng đội của mình với nguy cơ mất bóng, dính phản công cực cao.
Nhưng cũng chính những thất bại với Incheon United cũng sẽ giúp Công Phượng thấy được sự ưu ái mà các đồng đội như Quang Hải, Phan Văn Đức, cũng như các tiền vệ trung tâm trong màu áo đội tuyển Việt Nam dành cho mình, để rồi thay đổi lối chơi mang nặng tính cá nhân, ích kỷ. Dẫu cho Incheon United thất bại, nhưng bỏ "tấm áo giáp" ấy xuống, Công Phượng sẽ thấy thoải mái hơn nhiều khi về chơi dưới trướng HLV Park Hang-seo.
Incheon United phải thay đổi để tồn tại được tại K.League 1. Công Phượng cũng sẽ phải thay đổi để tồn tại trong đội hình đội bóng Hàn Quốc. Sự đào luyện khắc nghiệt trên đất Hàn đang mang lại lợi ích cho Công Phượng hơn nhiều so với những gì nhận được ở Nhật Bản 3 năm về trước.
Không lâu đâu, chỉ tháng Sáu tới thôi, trên đất Thái Lan, trong màu áo ĐTQG Việt Nam, người hâm mộ sẽ được kiểm chứng một Công Phượng đi ra từ "lò tôi luyện" Incheon United - nơi Xuân Trường từng thất bại thảm thương, và đó sẽ là thước đo chính xác nhất những gì đội bóng Hàn Quốc đã làm được cho Công Phượng. Đừng ngạc nhiên khi được chứng kiến một Công Phượng chững chạc hơn, trưởng thành hơn và bùng nổ hơn.