1. Hơn 3 năm trước, thể thao Việt Nam từng chứng kiến giây phút huy hoàng nhất trong lịch sử của mình, khi Hoàng Xuân Vinh bước lên bục cao nhất Olympic để nhận tấm huy chương vàng lịch sử.
Hơn 10 năm trước, sau thành công của Olympic Bắc Kinh 2008, trong một buổi giao lưu trực tuyến, một quan chức thể thao của Trung Quốc hồ hởi khoe: "Thế vận hội giờ như một bữa tiệc, nơi mọi người đánh bài, cười đùa vui vẻ với nhau. Rồi một con bạc chuyên nghiệp xuất hiện và vét sạch tiền trong túi mọi người".
"Con bạc chuyên nghiệp" được nhắc đến ấy chính là Trung Quốc, với tham vọng đứng đầu Olympic và bắn súng là một trong những mũi nhọn tiên phong.
Rạng sáng ngày 7/8 của hơn 3 năm về trước, Hoàng Xuân Vinh với phát đạn xuất thần cuối cùng đạt 10,7 điểm chính thức ghi tên Việt Nam lên bảng vàng Olympic. Khoảnh khắc ấy, không chỉ Trung Quốc, mà cả thế giới ngỡ ngàng gọi tên anh.
Song để có được thành tích lẫy lừng ấy, ít người biết Hoàng Xuân Vinh đã phải trải qua 1.462 ngày gặm nhấm nỗi đau. Hơn 4 năm trước ngày đứng trên đỉnh Olimpic, xạ thủ Việt Nam từng nhận nỗi đau với phát đạn cuối cùng đạt 10,2 điểm, để vuột chiếc huy chương đồng với chỉ 0,1 điểm kém hơn vào tay Vương Trí Vĩ của Trung Quốc ở Olympic London 2012.
Hôm nay, bóng đá Việt Nam cũng đã trải qua gần 1.500 ngày tính từ cái đêm đau đớn đến tột cùng trước người Thái. Đấy cũng là trận đấu lượt về vòng loại thứ hai World Cup khu vực châu Á, Việt cũng đứng chung bảng với Thái Lan, Indonesia và một đội bóng Tây Á (Indonesia sau đó bị loại vì lệnh cấm của FIFA).
Mỹ Đình hôm ấy vang dội một góc trời là tiếng trống, tiếng cổ vũ với khí thế "long trời lở đất" của hàng nghìn cổ động viên Thái Lan. Ở góc khán đài A, ngay trước mặt các cổ động viên Thái Lan là tấm băng rôn "Giấc mơ World Cup" đầy ngạo nghễ. Và trên sân, các học trò của HLV Kiatisak "nện" cho thầy trò HLV Miura 3 bàn không gỡ, với màn tiqui-taca đầy mãn nhãn.
Vòng loại World Cup 2018: Việt Nam 0-3 Thái Lan
Vòng loại năm ấy, Thái Lan đoạt ngôi đầu bảng, ngạo nghễ bước tiếp vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018 với khát vọng cháy bỏng lần đầu tiên được tham dự VCK World Cup, đẩy Iraq xuống kiếm tấm vé thứ hai, còn Việt Nam bị loại sau hai lượt đi về thua Thái Lan đau đớn.
Ngày ấy, cũng như Trung Quốc của hơn 10 năm về trước trên đấu trường Olympic, Đông Nam Á là "món đồ trong túi áo" của người Thái, muốn lấy lúc nào thì lấy.
2. Thiếu một ngày là tròn 1.500 ngày tính từ trận đấu ấy, vật đổi sao dời, thương hải tang điền, giờ đây đặt chân đến Mỹ Đình, Thái Lan mới là những người phải run sợ, dù đang sở hữu trong tay HLV người Nhật từng được coi là nhà cầm quân xuất sắc nhất châu Á. Bởi Mỹ Đình chẳng còn "hiếu khách" như ngày nào, và bóng đá Việt Nam nay đã khác.
"Tôi là vận động viên giành huy chương Olympic", đấy không phải là câu nói Hoàng Xuân Vinh khoe sau khi viết nên lịch sử cho thể thao Việt Nam. Đấy là câu mà xạ thủ này luôn hô trước mỗi buổi tập suốt gần 1.500 ngày, tính từ thất bại đau đớn tại Olympic London 2012, cho đến ngày thực sự đoạt tấm huy chương vàng Olympic.
Giấc mơ World Cup vẫn còn khá xa vời với bóng đá Việt Nam, nhưng có lẽ trong suốt gần 1.500 ngày tính từ trận thua trên sân Mỹ Đình năm ấy, người hâm mộ Việt Nam vẫn mơ một ngày vượt qua Thái Lan một cách đường hoàng, trong một giải đấu lớn, để được như Hoàng Xuân Vinh một lần làm nên lịch sử.
Trận thắng trên sân Mỹ Đình ấy đem về cho thầy trò HLV Kiatisak 10 điểm sau 4 trận, xây chắc ngôi đầu bảng, để rồi phăm phăm "về đích".
Hôm nay, thầy trò HLV Park Hang-seo chưa cần đến trận thắng trước người Thái, vẫn đã có đủ 10 điểm sau 4 trận đã đấu trên tay, với chiến thắng cực kỳ quan trọng trước UAE ở ngay vòng đấu trước. Và cũng như Thái Lan ngày nào, đội tuyển Việt Nam đang chễm chệ ở ngôi đầu bảng, với đến 3 điểm cách biệt so với đối thủ.
Ngót 1.500 ngày, chỉ còn sót lại duy nhất Công Phượng là "nhân chứng" của trận đấu ngày ấy vẫn đứng trong thành phần đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan ngày hôm nay.
Hơn 3 năm về trước, người hâm mộ Việt Nam từng "rớt tim" với phát đạn áp chót chỉ đạt 9,2 điểm của Hoàng Xuân Vinh. Phát đạn ấy cực kỳ tai hại khi khiến xạ thủ này tụt lại so với đối phương sau khi dẫn trước trong suốt cả loạt bắn chung kết, tưởng chừng như sẽ khiến anh đánh rơi chiếc huy chương vàng lịch sử. Nhưng rồi phát đạn đạt 10,7 điểm cuối cùng khiến tất cả vỡ òa. Hoàng Xuân Vinh lên ngôi vô địch.
Công Phượng cũng đang ở vào tình thế của Hoàng Xuân Vinh ngày nào, với viên đạn áp chót chứa đựng sự thất vọng. Màn trình diễn gần đây nhất trước UAE của Công Phượng nhận được sự tán thưởng của không ít người hâm mộ, và là "chiêu bài" đắt giá của HLV Park Hang-seo để kiềm tỏa sự nguy hiểm của UAE, nhưng cũng gây không ít thất vọng khi thiếu đi thứ cần thiết nhất khiến người hâm mộ "vỡ òa" - bàn thắng.
Cũng như Hoàng Xuân Vinh ngày nào, Công Phượng đang như chiếc lò xo được nén chặt, sẵn sàng bung ra bất cứ lúc nào. Hôm nay, rất có thể cầu thủ từng được mệnh danh là "Messi Việt Nam" sẽ không thể có mặt trong đội hình xuất phát của HLV Park Hang-seo, nhưng chắc hẳn nhà cầm quân người Hàn Quốc này sẽ không quên rằng Công Phượng chưa bao giờ "đánh rơi" mất tố chất là cầu thủ của những trận đấu lớn.
Chắc hẳn Công Phượng cũng chưa thể quên được nỗi đau ngày nào trên sân Mỹ Đình ngót 1.500 ngày về trước, dù giữa đó là nỗi đau xé lòng chẳng kém khi cũng thất bại đến 0-3 trước U22 Thái Lan, với quả phạt đền không thành công của chính anh.
Viên đạn cuối cùng mà Hoàng Xuân Vinh bắn ra để lấy về chiếc huy chương vàng Olympic lịch sử ngày ấy ắt hẳn nặng trĩu hơn các viên đạn khác, bởi treo trên nó là niềm tự hào của quê hương, của dân tộc.
Treo trên đôi chân của Công Phượng hôm nay cũng là niềm tự hào của đất nước, của bóng đá Việt Nam. Đã đến lúc "bóp cò" để lấy về "phát đạn 10,7 điểm" rồi Công Phượng ạ. Sau 1.499 ngày, trước mặt đã lại là người Thái...