1. Hành trình xuất ngoại của Công Phượng sắp kết thúc. Những chuỗi ngày dài ở Bỉ chỉ được tập luyện mà thậm chí không được cho... ngồi dự bị có thể sẽ thay đổi, trở nên dễ thở hơn khi về với TP.HCM.
Nhìn lại hành trình dài của Công Phượng khi năm 2016 sang Mito Hollyhock, năm 2019 sang Incheon rồi lại đến STVV, ngôi sao phố Núi chưa một lần thật sự tỏa sáng và chưa khi nào tìm được chỗ đứng vững chắc ở CLB.
Nếu nói Công Phượng đã học hỏi được gì từ những chuyến đi ấy hay chưa, câu trả lời cũng cực kì khó khăn. Hãy nhìn vào cách Công Phượng thi đấu khi trở về đá cho ĐTQG, vẫn phập phù lúc hay, lúc dở. Thậm chí, có đôi khi vì ít được chơi bóng, Công Phượng sút cũng... hụt.
Ở những nền bóng đá hiện đại hơn, Công Phượng có thể được ăn tập theo phong cách khoa học, tân tiến... nhưng lại thiếu đi điều cơ bản nhất là rèn luyện qua thực chiến. Đấy mới là điều tốt nhất để một cầu thủ tiến bộ.
2. Vậy, những chuyến đi của Công Phượng có giá trị gì không? Câu trả lời là chắc chắn có, thậm chí là vô giá. Khoan hãy nói nó có giá trị gì với Công Phượng mà hãy nói nó có giá trị gì cho bóng đá Việt Nam.
Không ít người từng lên tiếng chê bai Công Phượng, chê bai việc HAGL cho mượn ngôi sao sáng giá nhất nhưng ra nước ngoài chỉ để dự bị. Câu hỏi là trong quá khứ, liệu chúng ta đã có ví dụ nào để được nhìn vào đó bất kể khen chê?
Công Vinh là cầu thủ hiếm hoi của Việt Nam cũng từng sang Bồ Đào Nha hay Nhật Bản, nhưng trong thời gian quá ngắn ngủi và khá mờ nhạt, chưa đủ để có nhiều đánh giá.
Chuyến đi của Công Phượng dù buồn nhiều vui ít, nhưng đủ để giới chuyên gia hay NHM Việt Nam có những đánh giá sơ bộ về độ vênh của chúng ta với những nền bóng đá phát triển. Hãy nhớ, Công Phượng vẫn là một trong những tiền đạo hay nhất của bóng đá nước nhà hiện tại. Sự thất bại của Công Phượng không chỉ mang ý nghĩa cá nhân mà cũng phản ánh trình độ cầu thủ Việt Nam còn cách xa bao nhiêu với tầm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ.
Những chuyến đi của Công Phượng cũng chỉ ra nhiều điều, về hành trang các cầu thủ Việt Nam cần có khi xuất ngoại chơi bóng. Khả năng tự lập (từ sinh hoạt tới dinh dưỡng), ngoại ngữ, cách ứng phó với NHM, truyền thông... tất cả đều rất quan trọng. Nếu không có một người đi tiên phong, chúng ta sẽ không thể biết chính xác các kĩ năng mềm ảnh hưởng thế nào đến cầu thủ khi ra nước ngoài thi đấu.
Một vấn đề khác nữa là sự tiếp nhận của các CLB nước ngoài với cầu thủ Việt Nam thế nào? Nên nhớ đã từng có một thời, bóng đá Việt Nam chìm trong những lời đầy chán nản của Công Vinh khi sang Bồ Đào Nha ăn tập.
“Tôi nói một điều sự thật là ở châu Âu người ta rất kỳ thị người (cầu thủ) châu Á. Mình phải tự túc tất cả, kể cả việc tự nấu cơm ăn vì ở bên đó cầu thủ không sống tập trung, sau giờ tập và thi đấu thì ai về nhà nấy. Khi mình đến đội, không ai chào đón mình cả, trong suốt 2 tháng đầu ra sân tập, họ không chuyền bóng cho mình luôn nên chỉ toàn chạy không mà thôi”.
"Hai tháng đầu rất khó khăn, gần như không làm được điều gì cả. Trên sân thì họ không chuyền bóng cho mình, ở ngoài họ không chào hỏi nói chuyện với mình. Niềm vui của mình khi thui thủi một mình chỉ là lên internet để chat với bạn bè, người thân rồi đọc báo. Phải đến 2 tháng sau thì mình mới thể hiện được”.
Thế nhưng ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Bỉ, Công Phượng luôn được chào đón nồng nhiệt từ NHM bản địa, đồng đội đến BHL, dù có thể về chuyên môn không được đánh giá cao và không được cho thi đấu.
Chí ít, qua lăng kính về Công Phượng, chúng ta đã thấy việc xuất ngoại cũng không quá tồi tệ với cầu thủ Việt Nam. Còn chuyên môn tất nhiên là câu chuyện khác, cần các cầu thủ phải nỗ lực thể hiện bản thân để tự tìm cơ hội. Với bất kì cầu thủ nào, kể cả bản địa, nếu chuyên môn không đủ đáp ứng đương nhiên sẽ bị đào thải.
3. Với riêng cá nhân Công Phượng, ít nhất hiện cầu thủ này cũng đang nắm giữ một kỉ lục quan trọng: Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại tới nhiều quốc gia nhất. Mỗi lần xuất ngoại Công Phượng lại được tiếp xúc với một nền bóng đá, một nền văn hóa khác.
Với sự nghiệp hay cuộc sống, đấy đều là những giá trị cực lớn cho ngôi sao xứ Nghệ. Tin rằng qua rất nhiều năm nữa, số lượng cầu thủ được xuất ngoại nhiều như Công Phượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Năm nay mới 24 tuổi, Công Phượng vẫn quá trẻ để làm lại. Một hành trình trở lại Việt Nam sẽ mang đến cho Công Phượng nhiều cơ hội thi đấu hơn, để tìm lại cảm giác bóng và vươn trở lại phong độ đỉnh cao.
Những vinh quang vẫn ở phía trước Công Phượng và một ngày nào đó, cầu thủ này có thể lại tìm đường xuất ngoại.