"Trong những thập kỷ tới, Bắc Ninh cần tiếp tục là một trong những địa phương giàu có nhất cả nước, rồi hướng tới là một trong những thành phố sáng tạo nhất châu Á, là hình mẫu cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong khi vẫn giữ được, bảo tồn và phát huy được các giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc.
Đặc biệt, tỉnh phải là thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á và thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đồng ý để Bắc Ninh xây dựng đề án trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh.
Từ sau ngày tái lập tỉnh cách đây 20 năm, Bắc Ninh có cú bứt phát ngoạn mục về kinh tế xã hội. Tỉnh giàu, kinh tế phát triển cũng khiến đời sống người dân được đẩy mạnh lên.
Theo đó năm 2016, tổng sản phẩm địa bàn - GRDP bình quân đầu người Bắc Ninh gấp 2,3 lần bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 sau tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (tỉnh có hoạt động khai thác dầu thô).
Cụ thể nếu tính theo giá so sánh năm 1994, GRDP năm 2016 của tỉnh ước đạt gần 26 nghìn tỷ đồng, gấp 15,2 lần so với năm 1997.
Mức tăng trưởng tới 15,1% bình quân 20 năm, con số ấn tượng với một tỉnh không có thế mạnh về diện tích hay tài nguyên.
Điều gì tạo nên sự chuyển biến thần kỳ cho Bắc Ninh?
Một phần quan trọng chính là đường lối định hướng kinh tế. Theo đó Bắc Ninh hướng tới phát triển công nghiệp, xây dựng. Nếu như năm 1997, khu vực nông nghiệp đóng góp hơn 45% thì đến nay chỉ còn 5,8% tỷ trọng. Ngược lại khu vực công nghiệp xây dựng tăng nhanh từ mức 23,8% lên 73,7% hiện nay.
Công nghiệp chính là động lực tăng trưởng cho tỉnh này khi giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành năm 2016 đạt 765,8 nghìn tỷ đồng, gấp gần 1.200 lần so với mốc 646 tỷ đồng năm 1997.
Nguồn: Báo Bắc Ninh.
Hiện không chỉ những tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Canon, Microsoft, Hanaka,… mà những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Dabaco, Vinasoy, Bia Việt Hà,… cũng góp mặt cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương này.
Không có đất đai quá rộng lớn, Bắc Ninh tập trung vào cơ chế đầu tư thống thoáng, quy hoạch rõ ràng để thu hút DN.
Ngay từ đầu năm 2012, tỉnh này đã ban hành 4 quy hoạch tổng thể lớn về công nghiệp gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2020.
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2014 do Tổng cục thống kê công bố, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh có lãi bình quân lớn thứ 2 cả nước chỉ sau Bà Rịa- Vũng Tàu, vượt cả Tp.HCM, Hà Nội hay Bình Dương.
Thu hút được các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI nên sản xuất công nghiệp Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Tp.HCM. Công nghiệp phát triển cũng tạo đà cho hoạt động ngoại thương. Nếu như năm 1997, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tỉnh này chỉ đạt 20,4 triệu USD thì năm 2016 đạt 22,8 tỷ USD, gấp 1118 lần.
Không chỉ chú trọng phát triển doanh nghiệp lớn, tỉnh Bắc Ninh còn định hướng phát triển kinh tế tư nhân như phát triển công nghiệp hỗ trợ, làng nghề truyền thống. Những làng nghề như gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ, đúc phế liệu Mẫn Xá, đúc đồng Quảng Bố,… giúp giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.
Kinh tế phát triển giúp thu Ngân sách nhà nước của Bắc Ninh cũng vượt bậc. Năm 2016, tổng thu Ngân sách nhà nước tỉnh này ước đạt 17 nghìn tỷ đồng, gấp 85,7 lần năm 1997, đứng thứ 10 cả nước. Từ năm 2011, Bắc Ninh là 1 trong 13 địa phương có điều tiết Ngân sách nhà nước về trung ương.