Việc Trung Quốc mạnh tay với hoạt động đào Bitcoin đã khiến các mỏ ở nước này phải đóng cửa hoặc chuyển ra nước ngoài. Cùng với đó, các nhà sản xuất thiết bị đào Bitcoin của nước này cũng phải đi tìm thị trường ở nơi khác.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ xử lý nghiêm mọi hành vi đào và giao dịch tiền ảo, khiến các mỏ phải dừng toàn bộ hoặc một phần hoạt động. Cho tới trước thời điểm này, Trung Quốc chiếm hơn một nửa nguồn cung Bitcoin toàn cầu.
Các nhà sản xuất thiết bị đào Bitcoin, trong đó có nhiều công ty Trung Quốc, cho biết đang tìm cơ hội tăng trưởng ở những thị trường khác vì cơ hội ở thị trường Trung Quốc hầu như không còn.
Ebang International, công ty có trụ sở ở Hàng Châu, cho biết “các sản phẩm máy đào Bitcoin của chúng tôi vẫn cháy hàng” ở thị trường nước ngoài, cho dù doanh số trong nước sụt về 0. Ngoài ra, trong thời gian tới, “các khách hàng trong nước của chúng tôi cũng sẽ chuyển hoạt động ra nước ngoài để đào, nên ảnh hưởng sẽ không lớn”, Ebang lạc quan.
Cùng phản ánh xu hướng trên, BIT Ming Ltd có trụ sở ở Thẩm Quyến cho biết đã ký thoả thuận với một đối tác ở Kazakhstan để cùng đầu tư một trung tâm dữ liệu đào tiền ảo tại quốc gia vùng Trung Á.
Các mỏ đào Bitcoin sử dụng thiết bị máy tính chuyên dụng, có hiệu năng ngày càng lớn, được gọi là các “giàn khoan”, để kiểm chứng các giao dịch Bitcoin trong một quy trình mà ở đó những đồng Bitcoin mới sẽ được tạo ra.
Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Alex Axo, Phó chủ tịch Innosilicon Technology, nói rằng nếu Trung Quốc nhanh chóng để mất sức mạnh điện toán về tiền ảo, các mỏ đào Bitcoin ở nước ngoài sẽ hưởng lợi.
“Những nơi như Bắc Mỹ và Trung Á có lợi thế về nguồn cung điện và hỗ trợ chính sách”, ông Axo nói, và nhấn mạnh rằng sẽ có thêm các mỏ đào Bitcoin chuyển hoạt động từ Trung Quốc ra nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ xử lý nghiêm mọi hành vi đào và giao dịch tiền ảo, khiến các mỏ phải dừng toàn bộ hoặc một phần hoạt động. Cho tới trước thời điểm này, Trung Quốc chiếm hơn một nửa nguồn cung Bitcoin toàn cầu.
Ông Edward Lu, Phó chủ tịch Canaan Inc, một công ty sản xuất máy đào Bitcoin Trung Quốc khác, cho biết cũng đang nhắm tới thị trường Bắc Mỹ và Trung Á. “Chiến lược cần thiết là phát triển các thị trường như Kazakhstan, Canada, và Bắc Âu, nơi tài nguyên năng lượng dồi dào và có mức giá rẻ, các quy chế giám sát cũng rõ ràng và dễ đoán”, ông Lu nói với Reuters.
Hôm thứ Ba, vùng Nội Mông của Trung Quốc – "thủ phủ" ngành công nghiệp đào Bitcoin ở nước này – công bố dự thảo quy định nhằm khiến hoạt động đào tiền ảo phải chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên, các vùng khác của Trung Quốc còn chưa đưa ra quy định tương tự, dù Phó thủ tướng Lưu Hạc đã chỉ đạo cấm tất cả hoạt động đào và giao dịch tiền ảo.
“Chuyển hoạt động ra nước ngoài chỉ là ‘kế hoạch B’ của các mỏ đào tiền ảo ở Trung Quốc”, giáo sư Winston Ma thuộc Trường Luật, Đại học New York, phát biểu. Ông Ma cũng cho rằng chỉ những mỏ Bitcoin lớn nhất ở Trung Quốc mới có thể rút ra nước ngoài một cách trơn tru.
Kazakhstan, quốc gia mới công bố các quy định đối với lĩnh vực đào tiền ảo trong năm ngoái, hy vọng ngành này sẽ là một cú huých đối với nền kinh tế quốc gia có mức độ phụ thuộc lớn vào dầu lửa.
“Chúng tôi đã được 3 công ty đào Bitcoin từ Trung Quốc hỏi thăm thông tin vào hôm thứ Hai, về việc họ muốn đặt mỏ ở chỗ chúng tôi”, nhà đồng sáng lập Didar Bekbauov của Hive Mining cho hay. Công ty Kazakhstan này là nhà cung cấp dịch vụ “khách sạn” làm nơi đặt các hệ thống máy đào Bitcoin.
Theo ông Bekbauov, có vẻ như các mỏ Bitcoin từ Trung Quốc đang tìm kiếm một điểm đến mới sau lệnh cấm của nhà chức trách.
Tuy nhiên, một số chủ mỏ Bitcoin ở Trung Quốc tỏ ra tức giận vì phải chuyển đi. “Miễn là hoạt động đào Bitcoin không phi pháp, thì các ông đừng nên giết chết ngành này chỉ bằng vài câu nói của quan chức như vậy”, một doanh nhân tiền ảo Trung Quốc đề nghị không nêu tên phát biểu.