Tới cuối năm 2012, Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã giải ngân 950 triệu USD trong tổng số 1,5 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký cho dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động và máy tính bảng tại tỉnh Bắc Ninh. Không quá khi nói rằng, sự xuất hiện cơ sở sản xuất của Samsung tại đây đã mang lại một diện mạo mới cho một tỉnh nhỏ giáp ranh với Hà Nội này. Thế nhưng…
Xuất khẩu lớn
Thống kê của cơ quan hải quan địa phương cho thấy, năm 2012, cơ sở này xuất khẩu đạt kim ngạch 12,5 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu là 11,3 tỷ USD. So với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2012 là 228 tỷ USD, có thể thấy sự đóng góp của SEV là đáng kể.
Bước sang năm nay, tình hình hoạt động của SEV vẫn rất trôi chảy. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của SEV đã đạt trên 3 tỷ USD, tương đương với con số nhập khẩu. Dự kiến cả năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của SEV sẽ lên tới 30 tỷ USD, tăng khoảng 6 tỷ USD so với năm 2012.
Một doanh nghiệp họ Samsung khác cũng được đánh giá tốt là Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm nay, công ty này đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 75 triệu USD, nhập khẩu hơn 86,3 triệu USD. Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm của Samsung SDI Việt Nam sẽ đạt trên 1 tỷ USD.
Không những vậy, Samsung còn tiếp tục mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam với việc khởi công xây dựng tổ hợp thứ 2 có quy mô trên 2 tỷ USD tại KCN Yên Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Nộp ít thuế
Trái ngược với mức tăng trưởng hết sức ấn tượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần đóng góp cho ngân sách quốc gia của nước sở tại thông qua các khoản thuế của các doanh nghiệp họ Samsung đang khiến nhiều quan chức ngành thuế buồn lòng.
Thống kê của cơ quan hải quan, nơi đảm nhiệm thu các loại thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) hay bảo vệ môi trường cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2012, SEV nộp được 80,4 tỷ đồng tiền thuế.
Nhưng bước sang 2 tháng đầu năm 2013, số thu ngân sách thông qua các loại thuế trên đã giảm mạnh, chỉ còn 429 triệu đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Với Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam tình hình cũng tương tự.
Trong 2 tháng đầu năm 2012, số thu thuế của doanh nghiệp này là 80 tỷ đồng, nhưng trong 2 tháng đầu năm nay chỉ còn là 3,2 tỷ đồng, tức chỉ bằng 4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do của việc giảm nguồn thu lớn từ các doanh nghiệp họ Samsung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là bởi các doanh nghiệp này đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp chế xuất (DNCX) kể từ tháng 9/2012.
Do vậy, theo qui định, họ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế hơn so với trước đây. Một đánh giá của Cục Thuế Bắc Ninh cho thấy, trong năm 2013, việc SEV chuyển sang mô hình DNCX sẽ làm giảm toàn bộ số thu thuế VAT từ các doanh nghiệp vệ tinh của Samsung, vì khi bán cho doanh nghiệp chế xuất, họ sẽ được áp dụng thuế suất 0%.
Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu nước ngoài từ hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ cũng bị giảm vì khi SEV chuyển sang mô hình DNCX, các doanh nghiệp vệ tinh sẽ xuất khẩu trực tiếp cho SEV mà không cần xuất khẩu trung gian qua công ty mẹ sau đó chỉ định giao hàng cho SEV.
Sức mạnh của ông lớn
Quay trở lại với giai đoạn trước khi SEV trở thành DNCX, khi đó doanh nghiệp này đã liên tiếp đề nghị được miễn thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất máy tính bảng Galaxy Tab theo danh mục vật tư, linh kiện do công ty cung cấp.
Bộ Tài chính khi đó đã thẳng thừng từ chối đề nghị này. Theo phân tích của bộ này, có 41 mục vật tư, nguyên liệu trong tổng số 89 danh mục này đang có thuế suất nhập khẩu là 0%. Như vậy, về cơ bản, các nguyên liệu, linh kiện chính (chiếm từ 85-90% giá trị cấu thành sản phẩm) để lắp ráp máy tính bảng của công ty đã có mức thuế suất bằng 0%.
Với 48/89 danh mục còn lại để sản xuất, lắp ráp sản phẩm Galaxy Tab của SEV hiện có mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 3-25% là những chi tiết phụ và chỉ chiếm 10-15% giá trị cấu thành sản phẩm. Bộ Tài chính cũng cho rằng, các chi tiết này gồm ăng ten dùng cho máy tính bảng, giấy bảo hành, hộp carton, nắp bảo vệ bằng nhựa, tai nghe không có khung choàng đầu, tấm chắn nhiễu bằng kim loại, túi PE… lại có thể sử dụng được với nhiều mục đích khác nhau chứ không chỉ dùng để lắp ráp máy tính bảng Galaxy Tab.
Mặt khác, có tới 41/48 linh kiện, vật tư được phân loại chung mã số HS với nhiều sản phẩm khác mà trong nước đã sản xuất được nên cần áp thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, nghĩa là không thể điều chỉnh thuế suất xuống mức 0%.
Quan điểm này có lẽ đã không làm SEV hài lòng, vì vậy nhà đầu tư này tiếp tục đề nghị được chuyển đổi thành DNCX, xem đây như điều kiện tiên quyết để nâng quy mô đầu tư từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Trong đề nghị chuyển thành DNCX, cũng có hàng loạt kiến nghị về ưu đãi đầu tư được SEV tận dụng triệt để. Đó là tiếp tục được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đang được hưởng ưu đãi, bao gồm cả thu nhập từ tiêu thụ sản phẩm do SEV sản xuất tại thị trường nội địa thông qua chi nhánh bán hàng tại nội địa.
SEV cũng không phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ nước ngoài hoặc từ các khu phi thuế quan khác tại Việt Nam. Các hàng hóa kinh doanh nhập khẩu cũng sẽ không bị nộp thuế nhập khẩu khi nhập hàng từ nước ngoài vào khu chế xuất theo quy định hiện hành.
Đối với thuế VAT, công ty cũng đề nghị khi chuyển thành DNCX thì hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp nội địa cung cấp cho họ phải được áp dụng thuế suất thuế VAT là 0%, trừ một số hàng hóa dịch vụ đặc thù theo quy định.
Ngoài ra, hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa SEV với thị trường nước ngoài hoặc DNCX khác, cũng như doanh nghiệp trong khu phi thuế quan không thuộc đối tượng chịu thuế VAT tại Việt Nam. Công ty không phải kê khai thuế VAT hàng tháng tại cơ quan thuế địa phương theo quy định.
Điều đáng nói là, không những mang lại những khoản lợi không nhỏ cho mình từ việc chuyển thành DNCX, SEV còn giúp các dây chuyền vệ tinh của mình giảm đáng kể được số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước so với khi không phải là DNCX.
Không chỉ vậy, với chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động theo phương án trình Chính phủ của Bộ Tài chính, dự kiến năm 2013 ngân sách của Bắc Ninh sẽ bị giảm thu khoảng 310 tỷ đồng do giãn thuế sang năm 2014. Trong số này, riêng công ty Samsung Electronics Việt Nam sẽ “đóng góp” 250 tỷ đồng do doanh nghiệp này hiện sử dụng trên 26.000 lao động.