Ngành công nghiệp game có giá trị 20 tỷ USD. Theo Hiệp hội giải trí phần mềm của Mỹ, trong năm 2012, 58% người Mỹ đã chơi video game. Hầu hết các game được thiết kế để mang lại lợi ích giáo dục và thể chất cho người chơi. Game thường dùng các hành động lặp lại, như hành động nhún nhảy của một con dơi hoặc hành động nhắm tới một mục tiêu đang di chuyển, giúp luyện tập bộ não và cơ bắp của người chơi thực hiện tốt hơn các hành vi trong đời thực.
Tác dụng luyện tập não bộ của video game cũng như đọc một cuốn sách hay đạp xe đạp – khi bộ não đang luyện tập, hàng ngàn liên kết mới được hình thành. Hệ thống thưởng trong game cũng giúp người chơi liên tục nâng cao các kỹ năng của họ.
Sau đây là những lợi ích rất thiết thực của video game, được VnReview chuyển ngữ từ trang Business Insider.
Game lái xe giúp cải thiện trí nhớ và sự tập trung ở người già
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học "đã phát hiện ra việc đổi hướng của những chiếc xe ô tô trong khi phải liên tục phát hiện ra các tín hiệu giao thông trong một trò chơi video game có thể giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn và tăng khả năng tập trung về lâu dài cho người già".
Trong nghiên cứu đó, một nhóm những người chơi trong độ tuổi từ 60 đến 85 đã được yêu cầu chơi trò chơi NeuroRacer trong 12 giờ trong vòng 1 tháng. 6 tháng sau khi chơi, các cụ đã có thể xử lý "đa nhiệm" tốt hơn, lưu giữ nhiều thông tin hơn trong một thời gian ngắn và có các kỹ năng tập trung tốt hơn.
Những người chơi các game hành động ra quyết định nhanh hơn 25%
Các trò chơi có tốc độ nhanh thường yêu cầu người chơi phải suy nghĩ nhanh để tránh bị "chết". Theo các nhà khoa học đến từ trường Đại học Rochester, trong các tình huống ngoài đời thực, những người chủ động có cái nhìn tốt hơn về những điều xảy ra xung quanh họ và có thể đưa ra quyết định nhanh hơn.
Trong một nghiên cứu, những người tham gia ở độ tuổi 18-25 được chia thành 2 nhóm. Một nhóm chơi 50 giờ các game hành động "Call of Duty 2" và "Unreal Tournament," và nhóm kia chơi 50 giờ game chiến thuật "The Sims 2." Kết quả cho thấy những người chơi game hành động đưa ra quyết định nhanh hơn 25% mà vẫn đảm bảo độ chính xác.
Video game giúp cải thiện thị lực
Một nghiên cứu khác của trường Đại học Rochester cho thấy video game giúp cải thiện thị lực vì những người chơi nhạy cảm hơn với các gam màu khác nhau, hay còn gọi là sự nhạy cảm về độ tương phản màu.
Những người chơi game hành động – đặc biệt là loại game hành động FPS (first-person-shooter game – game bắn súng góc nhìn thứ nhất) – có khả năng cảm nhận mức độ khác biệt về tương phản màu tốt hơn 58% so với những người khác.
Các bác sỹ phẫu thuật có thể nâng cao kỹ năng nội soi nếu chơi video game
Chơi game trên máy Nintendo Wii sẽ giúp cải thiện các kỹ năng cần thiết cho một bác sỹ phẫu thuật nội soi. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLOS One, đã phát hiện ra những bác sỹ dành 1 tháng chơi game Wii Tennis, Wii Table Tennis hoặc game đánh bóng High Altitude Battle có thể thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ liên quan đến sự phối hợp mắt-tay và các cử động chính xác.
Chính vì thế, các nhà nghiên cứu kết luận: "Các bác sỹ phẫu thuật trẻ có thể chơi game trên Nintendo Wii để luyện tập các hoạt động phối hợp trước khi đi vào thực tế".
Video game khuyến khích hoạt động thể chất
Ngồi hàng giờ liền trước màn hình máy tính để chơi game sẽ không thể giúp giảm cân. Nhưng một thế hệ video game mới có thể khuyến khích những người lười vận động di chuyển.
Bác sỹ chuyên khoa nội tiết Stanley Hsia đang nghiên cứu liệu những người chơi Dance Dance Revolution – một loại game yêu cầu người chơi phải di chuyển chân theo đúng các tín hiệu trên màn hình – có khả năng giảm rủi ro bị tiểu đường loại 2 không.
Ngoài ra, video game cũng giúp thay đổi hành vi. Trong nghiên cứu của trường Đại học Indiana, những người nhận được lời khuyên thông qua trò chơi Second Life đã báo cáo các thay đổi tích cực hơn trong chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, tốt hơn so với những người tham gia các khoá học thể hình truyền thống, thậm chí mức độ giảm cân là tương đương giữa hai nhóm.
Trẻ mắc chứng khó đọc có khả năng đọc tốt hơn sau khi chơi video game
Một nghiên cứu nhỏ trên tạp chí Curent Biology phát hiện ra chơi các game hành động giúp trẻ mắc chứng khó đọc có thể đọc nhanh hơn và chính xác hơn. Theo nghiên cứu, trẻ chơi game đã cải thiện được tốc độ đọc, kết quả mang lại tốt hơn cả việc một năm trẻ tự phát triển khả năng đọc, và kết quả tốt bằng hoặc tốt hơn cả việc trẻ tham gia các khoá điều trị kỹ năng đọc truyền thống.
Như vậy, bằng cách cải thiện mức độ chú ý, video game giúp trẻ luyện các kỹ năng đọc tốt hơn.
Video game có thể giúp các nạn nhân bỏng kiểm soát vết đau
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Washington đang thử nghiệm các trò chơi ảo thực giúp nạn nhân bị bỏng quên đi nỗi đau của họ.
Bằng cách cuốn các bệnh nhân vào một thế giới khác, họ sẽ ít để ý đến vết đau hơn. Trong nghiên cứu ban đầu, hai bệnh nhân bị bỏng nặng đã chơi game Nintendo trong khi các bác sỹ điều trị vết thương. Cả hai bệnh nhân đều nói cảm giác ít đau hơn khi chơi game.
Video game có thể dạy chúng ta về quá trình sinh học
Video game không chỉ để giải trí. Chúng cũng có thể "giúp giải quyết các thách thức về giáo dục và khoa học", theo nhà vật lý học Ingmar H. Riedel-Kruse của trường Đại học Stanford, người đã thiết kế ra một bộ sưu tập các game hành động để dạy mọi người về các quá trình sinh học.
Các trò chơi liên quan đến một sinh vật đơn bào bên trong một thùng chất lỏng. Người chơi tương tác hoặc "điều khiển" các sinh vật sống bằng cách áp dụng các điện trường sử dụng một thiết bị cầm tay giống một bộ điều khiển game video. Bởi vì phản ứng của sinh vật là thật và không dựa trên các mô phỏng, trò chơi có thể dạy cho người chơi về các hành vi của vi sinh vật, sự khuếch tán và các khái niệm sinh học khác. Với các trò chơi này, sinh viên có thể có cảm hứng, động lực để thảo luận và hiểu được các hiện tượng mà họ quan sát.
Video game có thể giúp chúng ta thành những con người tốt đẹp hơn
Các game chiến lược di chuyển chậm có thể thay đổi hành vi suy nghĩ của chúng ta, vì thế chúng ta có thể họ các quyết định khôn ngoan hơn, có đạo đức hơn trong đời sống thực. Đó là ý tưởng phía sau game Quandary, một trò chơi đưa những người dân thuộc địa lên hành tinh Braxos và đòi hỏi người chơi, hoặc đội trưởng, giúp giải quyết những tình huống khó xử giữa những người định cư.
Scot Osterweil, giám đốc sáng tạo của đơn vị Education Arcade thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), giải thích: "Chúng tôi không tin việc chơi game sẽ tự động giúp người chơi có quan điểm tốt hơn trong cuộc sống của họ, nhưng chúng tôi tin rằng game cũng là một cách rất tốt để giới thiệu các ý tưởng, và những ý tưởng này có thể được phát triển hơn nữa qua các cuộc trò chuyện với những người khác, và qua các hoạt động bổ sung được cung cấp trên website".
Bệnh nhân ung thư chơi video game sẽ có suy nghĩ tích cực hơn
Re-Mission là một game bắn súng góc nhìn thứ ba (third-person shooter game – TPS) do HopeLab sáng tạo nên để giúp những người trẻ mắc bệnh ung thư. Trong game, người chơi điều khiển một nanobot tên là Roxxi để giúp con người chiến đấu với bệnh ung thư bằng các vũ khí khác nhau, như súng phóng xạ. Người chơi phải giúp sức khoẻ bệnh nhân cải thiện, học về các phương pháp điều trị khác nhau và cách thích ứng với các phương pháp.
Trong thử nghiệm với 375 bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra người chơi điều trị kháng sinh nhất quán hơn và vì thế tuân thủ các phương pháp điều trị tốt hơn những người khác. Người chơi cũng hiểu hơn về căn bệnh ung thư và có niềm tin mạnh mẽ hơn về khả năng tự đạt đến các mục tiêu, trong khi đang trải qua các liệu pháp điều trị ung thư.
Trẻ em chơi video game có kỹ năng vận động tốt hơn
Một nghiên cứu nhỏ của trường Đại học Deakin của Australia phát hiện ra trẻ em trong độ tuổi từ 3-6 tuổi chơi các game tương tác, như Wii, có các kỹ năng vận động tốt hơn so với những em chơi game không tương tác. Các kỹ năng này bao gồm đá, bắt, ném và bật bóng.