Công nghệ kinh ngạc của tàu thăm dò đang tiến sát Mặt Trời nhất lịch sử

An Dương |

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thông báo tàu thăm dò Mặt Trời Parker lập kỷ lục trở thành vật thể nhân tạo tiến gần tới Mặt Trời nhất trong lịch sử.

AFP trích thông cáo của NASA, vào ngày 29/10, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết: "Vào 13h 04 phút ngày 29/10 (giờ địa phương), tàu thăm dò Mặt Trời đã vượt qua kỷ lục hiện tại là 42,73 triệu km cách bề mặt Mặt Trời.

Tàu thăm dò Parker được phóng thành công từ Mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, vào ngày 21/8. Tàu được bảo vệ bởi lớp vỏ dày 11,43 cm, cho phép chịu nhiệt lên tới 1.400 độ C.

Lớp chắn nhiệt cũng giúp thiết bị chịu được bức xạ cao gấp 500 lần so với bức xạ Mặt Trời trên Trái Đất. Được biết, trước đó, kỷ lục tiến sát Mặt Trời nhất được lập bởi tàu du hành Helios 2 của Đức - Mỹ hồi tháng 4/1976”.

Công nghệ kinh ngạc của tàu thăm dò đang tiến sát Mặt Trời nhất lịch sử - Ảnh 1.

Tên lửa đẩy tàu thăm dò Parker tiến sát gần Mặt Trời nhất trong lịch sử

Tàu thăm dò Parker, trị giá 1,5 tỷ USD, bắt đầu hành trình thăm dò Mặt Trời vào tháng 8 với nhiệm vụ chiến lược là giúp hé lộ bí ẩn về bão Mặt Trời, nhằm bảo vệ Trái Đất. Mục tiêu của tàu là bay 24 vòng quanh Mặt Trời và dần thu hẹp khoảng cách trong nhiệm vụ kéo dài 7 năm.

Theo NASA, tàu thăm dò này "được kỳ vọng sẽ phá kỷ lục tàu bay nhanh nhất trong tương quan với Mặt Trời vào lúc 22h54 ngày 29/10" (9h54 sáng 30/10 theo giờ Hà Nội). Vận tốc kỷ lục trên quỹ đạo nhật tâm hiện tại là 246.960 km/h, thuộc về tàu Helios 2 thực hiện vào tháng 4/1976".

Theo đó, tàu Parker dự kiến sẽ tiến gần tới Mặt Trời lần đầu tiên vào ngày 31/10. NASA dự đoán trong lần tiếp cận cuối vào năm 2024, tàu sẽ ở khoảng cách xấp xỉ 6,16 triệu km tính từ bề mặt Mặt Trời.

Nhưng trước khi nó có thể đương đầu với nhiệt lượng khủng khiếp từ Mặt Trời, nó phải được xử lý đặc biệt và trải qua bài thử khắc nghiệt để xem nó có thể thăm dò Mặt Trời không.

Trong hai tháng vừa rồi, các kỹ sư tại NASA đã có khoảng thời gian thử nghiệm, sử dụng loa kích cỡ lớn, lò nướng và tia laser cực mạnh hòng hủy diệt con tàu Parker.

Bài thử đầu tiên là bài thử rung tại Phòng khoa học Vật lý Ứng dụng John Hopkins tại Maryland. Tại đó, họ rung lắc con tàu một cách dữ dội để chắc chắn được rằng nó sẽ sống sót qua giai đoạn phóng tàu, khi nằm yên vị trên hệ thống tên lửa Delta IV Heavy.

Tiếp đó, nó được chuyển tới Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA. Tại đó, tàu thăm dò này lại được đắm mình trong âm thanh khủng khiếp 150 decibel (dB) tới từ một dàn loa cao 1,8 mét. Để so sánh, thì tại giới hạn 85 dB, tai con người đã có thể gặp chấn thương vĩnh viễn. Tàu thăm dò Parker sẽ phải nghe âm thanh to kinh hoàng ấy trong quá trình cất cánh.

Tuy nhiên, sống sót qua quá trình phóng tàu mới là một phần nhỏ của chuyến bay lịch sử lên Mặt Trời. Tại quỹ đạo của Mặt Trời con tàu sẽ phải chịu được bức xạ nhiệt Mặt Trời cực mạnh và cùng lúc đó, thu thập tia cực tím để lấy về năng lượng cho tàu sử dụng.

Để thử nghiệm các tấm pin Mặt Trời trên tàu Parker, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một chùm tia laser mạnh để làm sáng từng dải trong 44 dải pin Mặt Trời sẽ được lắp đặt trên tàu.

Bài thử nghiệm cuối cùng xem tàu Parker có chịu được nhiệt lượng khổng lồ không bằng cách đưa vào một buồng đốt nóng chân không để xác định xem khiên chắn nhiệt của nó có hoạt động đúng như dự kiến.

Bởi khi tiến sát Mặt Trời tàu thăm dò này sẽ bay xuyên qua bầu khí quyển bên ngoài Mặt Trời, nơi mà nhiệt độ có thể lên tới hơn 1.300 độ C.

Để có thể bảo vệ được các thành phần điện tử bên trong Parker – những thứ hoàn toàn có thể bị hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ cực cao từ Mặt Trời, các nhà nghiên cứu tại NASA đã phát triển một loại khiên nhiệt carbon "mang tính cách mạng", gắn vào bên ngoài con tàu Parker để nó có thể thực hiện sứ mệnh Mặt Trời một cách an toàn.

Tấm khiên nhiệt đã chống chịu được cả nhiệt độ lạnh cóng lẫn cái nóng kinh hoàng.

Nếu hoạt động thành công, tàu thăm dò Mặt Trời Parker sẽ cho các nhà nghiên cứu những dữ liệu chưa từng có về gió Mặt Trời, về những dòng hạt điện tích có thể vừa tạo ra cực quang lại vừa có thể làm tiêu biến cả một tầng khí quyển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại