Cuộc tấn công rất mới về quy mô và bản chất
Ngày 18/9, tức bốn ngày sau cuộc tấn công vào hai cơ sở lọc dầu của Ả-rập Xê-út, Bộ Quốc phòng Ả-rập Xê-út cho họp báo trưng bày các mảnh vỡ của các máy bay không người lái tấn công 2 cơ sở lọc dầu của Ả-rập Xê-út và khẳng định không còn nghi ngờ gì là Iran tài trợ cho cuộc tấn công. Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi, Người phát ngôn BQP Ả-rập Xê-út từ chối gọi đích danh Iran mà chỉ tuyên bố những kẻ thủ ác sẽ được tìm thấy và sẽ phải chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Rạng sáng ngày thứ 7 (14/9) đối với cả thế giới là rạng sáng cuối tuần, bắt đầu 2 ngày nghỉ sau một tuần làm việc, nhưng đối với Trung Đông nơi tuyệt đại đa số là người Hồi giáo sinh sống thì lại là rạng sáng của một tuần mới. Đúng vào thời điểm bắt đầu tuần mới, 2 cơ sở lọc dầu của Ả-rập Xê-út bị tấn công.
Con số ban đầu được đưa ra là 10 máy bay không người lái tham gia tấn công hai cơ sở này. Nhưng thông tin mới nhất do Bộ Quốc phòng Ả-rập Xê-út công bố cho biết có tới 18 máy bay không người lái tham gia và cả một số tên lửa đã được sử dụng tấn công tuy không nổ.
Khi nghe tin các cơ sở lọc dầu bị tấn công người viết những dòng này nhớ ngay đến cuộc trao đổi hơn 1 năm rồi với một nhà ngoại giao Iran, đại ý "ông nên nhớ là nếu chúng tôi không xuất khẩu được dầu lửa thì các nước khác cũng không xuất khẩu được, hàng ngàn tên lửa của chúng tôi có thể với được đến tất cả các cơ sở sản xuất dầu lửa trong khu vực".
Tất nhiên đây chỉ là liên hệ chứ người viết hoàn toàn không có ý khẳng định Iran tấn công các cơ sở dầu lửa của Ả-rập Xê-út. Một tình huống đã được cảnh báo trước nay đang thành hiện thực tuy chưa biết ai là người động thủ. Iran tuyên bố, cuộc tấn công là cách mà người Yemen phản ứng trước việc Ả-rập Xê-út ném bom nước này suốt 5 năm qua, mang lại bao chết chóc cho người dân Yemen.
Thời điểm xảy ra cuộc tấn công có vẻ như không giống các cuộc tấn công khác vì ít khi nó được chọn vào đầu tuần. Nhưng chắc thời điểm cuộc tấn công này được chọn không phải không có lý do. Hai nhà máy này là cơ sở của Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới của Ả-rập Xê-út, Aramco. Tập đoàn dầu lửa nhà nước này của Ả-rập Xê-út đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng.
Cuộc tấn công theo tính toán đã làm giảm 1/2 sản lượng dầu xuất khẩu của Ả-rập Xê-út, tức 5% tổng sản phẩm dầu lửa thế giới. Mỗi ngày Ả-rập Xê-út mất đến 5-7 triệu thùng dầu. Cuộc tấn công đã gây một cú sốc về giá dầu. Ngày thứ Ba (17/9), giá dầu tăng kỷ lục kể từ 1988, trong một ngày tới 15%. Nhưng sang ngày hôm sau, giá dầu đã bắt đầu xu hướng giảm, giảm 36 xu hay 0,6% sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út cam kết sẽ khôi phục được mức sản xuất dầu trước khi 2 cơ sở lọc dầu của nước này bị tấn công.
Giá dầu sẽ còn dao động tùy theo tình hình nhưng điều có thể thấy đây là một cuộc tấn công rất mới về quy mô và bản chất. Lần đầu tiên các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở lọc dầu, có thể gây ra những đảo lộn lớn về kinh tế của không chỉ Ả-rập Xê-út mà của cả thế giới. Nếu những cuộc tấn công như thế này được tiếp diễn thế giới sẽ đứng trước những bất ổn lớn ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu.
Phản ứng thận trọng của ông Trump
Đến nay người ta vẫn chưa xác định được máy bay không người lái này xuất phát từ đâu mặc dù lực lượng Houthi của Yemen ngay lập tức tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công. Các quan chức Mỹ khẳng định xuất phát từ Iran nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
Khác với những lần căng thẳng trước, phản ứng của Tổng thống Mỹ Trump lần này là khá thận trọng. Ông không ngay lập tức lên án Iran như vẫn hay làm. Cho rằng "dường như Iran đứng đằng sau cuộc tấn công" Tổng thống Trump vẫn khẳng định Mỹ không định có biện pháp trả đũa cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về sự dính líu của Iran.
Tổng thống phát biểu mềm hơn nhưng Phó Tổng thống Pence lần này được "phân vai" phát biểu mạnh hơn rằng "súng đã lại được lên đạn". Hy vọng, đây chỉ là lời đe dọa để thể hiện Mỹ không ngán nếu cần phải hành động.
Một số nguồn tin nói xuất phát từ Iraq buộc chính phủ Iraq phải lên tiếng ngay là Iraq không cho phép bất cứ nước nào sử dụng lãnh thổ của mình để tấn công nước thứ ba và gây mất ổn định khu vực.
Cộng đồng quốc tế dường như đều đang cố gắng kiềm chế mặc dù tất cả đều lên án cuộc tấn công. Trong khi kêu gọi có hành động tập thể đối phó với cuộc tấn công kiểu này, các nước châu Âu cũng nhấn mạnh chưa xác định được ai là tác giả cuộc tấn công. Đây là cách nói từ chối ủng hộ một cuộc tấn công trả đũa Iran. Pháp và Nhật còn nói rõ không có thông tin về việc Iran đứng đằng sau cuộc tấn công này. Nga tuyên bố không nên vội vàng lên án hay kết luận ai là tác giả cuộc tấn công.
Thế giới rõ ràng đang muốn tránh bị kéo vào một cuộc chiến tranh sau cuộc tấn công vào cơ sở lọc dầu của Ả-rập Xê-út.
Iran dường như cũng đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với mình khi ở các cấp khác nhau và các phương thức khác nhau khẳng định Iran sẽ trả đũa nếu như bị tấn công quân sự. Tất cả các lợi ích của Mỹ ở trong khu vực bán kính 2.000 km (khả năng với của tên lửa Iran) đều sẽ là trong tầm ngắm của tên lửa Iran. Iran đã gửi cho Mỹ một công hàm qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran rằng "cuộc tấn công trả đũa của Iran sẽ không chỉ giới hạn ở nơi phát ra cuộc tấn công." Rõ ràng Iran sẽ trả đũa không giới hạn nếu bị tấn công.
Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào hai cơ sở lọc dầu của Ả-rập Xê-út cho thấy tình hình căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang, nhưng dường như các bên đều vẫn đang cố gắng tránh bị kéo vào một cuộc chiến. Tình hình căng nhưng chưa nổ và giải pháp thì còn xa.
Việc chính quyền của Tổng thống Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân đã ký chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp. Giải pháp chỉ có thể là quay lại với thỏa thuận như nhiều lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi. Người ta hy vọng thái độ mềm mỏng hơn của Tổng thống Trump đối với Iran là dấu hiệu cho việc quay trở lại với hiện trạng 2015.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.