Công bố Di tích Khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá là di tích quốc gia đặc biệt

Nguyễn Thảo |

Chiều nay, 30/12, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo công bố thông tin về việc Di tích Khảo cổ Rộc Tưng- Gò Đá (Thị xã An Khê) vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Bộ rìu đá được tìm thấy tại đây cũng được công nhận là bảo vật quốc gia. Như vậy, cùng với quần thể Di tích Lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo (Thị xã An Khê), Gia Lai đã có 2 di tích quốc gia đặc biệt, được công nhận trong năm 2022.

Công bố Di tích Khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá là di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thông tin: Tại Thị xã An Khê, Di tích Gò Đá được các nhà khảo cổ lần đầu tiên phát hiện năm 2014. Cùng năm, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã triển khai ngay đề tài nghiên cứu và phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê. Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và đưa vào Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, giai đoạn 2015-2019.

Tháng 11/ 2015, 2 di tích Gò Đá và Rộc Tưng I (xã Xuân An) được khai quật, các nhà khảo cổ học tìm thấy 12 điểm có dấu tích văn hóa của người nguyên thủy, với hàng trăm mảnh tectit và hàng ngàn di vật đá với các loại hình như: Công cụ mũi nhọn, công cụ ghè hai mặt, công cụ chặt thô, công cụ mũi nhọn tam diện... Đặc biệt là có 4 rìu tay thu được trong quá trình điều tra, khảo sát. Kết quả phân tích cho thấy, niên đại ở Di tích Gò Đá là khoảng 806.000 năm và Rộc Tưng I là khoảng 782.000 năm trước.

Điều này cho thấy cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm. Đồng thời, vùng thượng lưu sông Ba (Gia Lai) được ghi dấu vào bản đồ thế giới, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người - Người đứng thẳng (Homo erectus).

Công bố Di tích Khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá là di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Di tích Rộc Tưng- Gò Đá (ảnh: Hoàng Ngọc- BGL).

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, ngay từ khi phát hiện di tích, Thị xã An Khê đã triển khai các giải pháp khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Song song đó, tỉnh Gia Lai cũng hoàn thiện các hồ sơ để trình cấp thẩm quyền xếp hạng di tích. Từ trước khi di tích được xếp hạng cho tới nay, Tỉnh Gia Lai đang lên kế hoạch dài hạn cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích khảo cổ.

Theo đó, tỉnh sẽ áp dụng khoa học, công nghệ; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hợp tác nghiên cứu về của các nhà khoa học, sinh viên trong nước và quốc tế. Đồng thời, liên kết di tích với các điểm đến khác như Di tích Tây Sơn Thượng Đạo, Cao nguyên Kon Hà Nừng, cùng các di tích lịch sử, nghỉ dưỡng tại Bình Định, tạo thành tour đa dạng và hấp dẫn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói: “Toàn bộ di chỉ được phát hiện trải dài dọc sông Ba, có những vùng rộng 200ha. Vì vậy, chúng ta phải thổi hồn vào bằng những câu chuyện, những công cụ trực quan sinh động nhất, bằng dựng 3D ảo để khi du khách vào, đứng trước hiện vậy thì được tái hiện lại thời tổ tiên người đứng thẳng giai đoạn đó. Và qua các ứng dụng, kích thích hơn, gây tò mò, tạo hiệu ứng trong tham quan, nghiên cứu”../.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại