Sử dụng cách quét như radar, nhóm khoa học gia điều hành Kính viễn vọng Event Horizon (EHT) đã ghi nhận sự thay đổi độ sáng của lỗ đen quái vật Sagittarius A* nằm ở trung tâm thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) theo một vòng thuận chiều kim đồng hồ.
Lỗ đen quái vật của Milky Way không ngừng gầm gừ - Clip: EHT
Sau đó, họ "dịch" sự biến thiên ánh sáng này thành âm thanh và cho ra một đoạn clip kỳ lạ trong đó lỗ đen đang ngủ của chúng ta liên tục phát ra tiếng gầm gừ đáng sợ. Theo các nhà khoa học, âm lượng đã được tăng lên đáng kể và xử lý về tần số để tai người có thể nghe.
Bản ghi âm được phát hành chỉ sau 3 ngày nhóm khoa học gia công bố bức ảnh chụp đầu tiên về Sagittarius A*. Trước đó con người đã từng chụp được nhiều lỗ đen quái vật khác, nhưng việc tự soi vào thiên hà của chính mình khá khó khăn.
Trước đó chỉ 1 ngày, NASA cũng công bố một clip gây sốc khác - một thiên hà đang phát ra bản nhạc du dương.
Trong khi thiên hà quái vật mang tên Vật thể của Hoag thì phát ra bản nhạc mê hoặc - Clip: NASA
Thiên hà được gọi là "Vật thể của Hoag" có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng, ngang ngửa với Milky Way, tức cũng thuộc dạng thiên hà to lớn và mạnh mẽ, những quái vật thiên hà thường xuyên nuốt các thiên hà nhỏ bé hơn trong quá trình tiến hóa.
Trái với lỗ đen quái vật, Vật thể của Hoag phát ra một bản nhạc mê hoặc trong đoạn clip được NASA thực hiện theo cùng cách với nhóm từ EHT.