Nỗi đau của hai gia đình từ vụ án oan nghiệt ngã
Nỗi oan khuất 43 năm qua của ông già 80 tuổi Trần Văn Thêm - người từng bị coi là tử tù được làm sáng rõ đã trở thành niềm vui, tâm điểm trong câu chuyện của nhiều người dân Đức Lân (Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh)
Ngôi nhà nhỏ của gia đình cụ Thêm mấy ngày nay cũng đông hơn hẳn bởi bà con, họ hàng xung quanh đến chia sẻ niềm vui.
Mang tin cụ Thêm được minh oan chúng tôi tìm đến nhà ông ông Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1960, con trai cụ Nguyễn Văn Văn - nạn nhân bị giết hại trong vụ án oan của cụ Thêm.
Ngôi nhà nằm cách nhà cụ Thêm chỉ khoảng vài chục mét theo đường chim bay và theo những người thân, hàng xóm thì giữa hai gia đình này còn có mối quan hệ họ hàng gần gũi.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vinh cho biết, vào thời điểm năm 1970 khi ông mới 10 tuổi thì bố ông và cụ Thêm là hai anh em có rủ nhau đi chợ, mua hàng về đến xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) thì xảy ra vụ án mạng cướp đi sinh mạng của bố ông.
Cũng vì còn nhỏ tuổi nên khi vụ án xảy ra ông chưa hiểu được chuyện gì mà chỉ nghe mẹ đẻ (nay đã mất - PV) kể lại.
"Lúc đó, tôi chỉ nhớ là cả gia đình tôi, gia đình cụ Thêm cùng bà con, họ hàng phải kéo xe cải tiến lên tận Vĩnh Phú để đưa thi thể bố tôi về. Khổ sở lắm. Khi tôi lớn thêm một chút, hiểu biết được sự việc thì lúc đó cụ Thêm vẫn đang ở trong tù.
Thực sự là chúng tôi cũng nghi ngờ, cũng uất hận cụ Thêm vì họ bảo cụ sát hại bố tôi, nhưng mẹ tôi cũng khuyên chúng tôi thôi, vì vẫn là anh em họ ngoại nên mọi thứ vẫn bình thường.
Và người mất thì cũng mất rồi giờ có làm thì được gì đâu. Khi cụ Thêm bị tuyên án tử hình, mẹ tôi cũng có lên trực tiếp Vĩnh Phú xin không xử bắn, để đi tù thôi chứ ở đây vẫn còn là họ hàng, anh em...", ông Vinh kể.
Theo ông Vinh, thời điểm đó, đất nước còn chiến tranh, nghèo đói nên việc bố ông, lao động chính trong gia đình mất đi đã tạo gánh nặng lớn cho cả nhà.
"Lúc đó, khổ thì không gì có thể tả nổi. Kinh tế khó khăn, một mình mẹ tôi phải chạy vạy khắp nơi, buôn bán đủ thứ nuôi 5 anh em.
Tôi mới có 11 tuổi đầu còn em út mới sinh được chưa lâu sau khi bố tôi bị sát hại nên cảnh bữa đói bữa no liên tục diễn ra.
Gia cảnh nhà cụ Thêm lúc đó cũng như thế, đói khổ lắm. Hai nhà, một nhà thì chồng chết, một nhà chồng đi tù", ông Vinh chia sẻ.
Mong có sự thông báo rõ ràng
Người đàn ông này cũng cho biết thêm, lúc bấy giờ, mọi nghi ngờ sát hại bố ông đều đổ dồn vào cụ Thêm và sau này, dù cụ Thêm được về, nói là oan nhưng giữa hai gia đình vẫn có những sự "gợn", "ác cảm".
"Dù cụ Thêm được thả về và có nói là oan nhưng chúng tôi vẫn nghĩ trong bụng là không phải vậy.
Đến bây giờ, chúng tôi vẫn có cái gì đó hơi ác cảm và dù khi cưới xin, đám nọ, đám khác có mời nhưng bên nhà tôi cũng không sang nhà cụ Thêm, bên nhà cụ Thêm cũng không sang nhà tôi.
Bởi vì sang rồi người nọ rượu vào, người kia rượu vào rồi lại bảo ông này giết bố mình, rồi giờ vẫn đến thì không hay, nên tránh.
Nhưng họ hàng, anh em thì vẫn đi lại bình thường, gặp nhau ngoài đường vẫn chào hỏi. Anh em nhà cụ Thêm có việc thì chúng tôi vẫn đến thăm nom, hỏi han, giúp đỡ...", ông Vinh nói.
Con trai cả của nạn nhân Văn cũng khẳng định, mấy ngày nay, sau khi nghe đài, xem tivi, báo chí thấy có nói rõ về việc cụ Thêm đi tù oan, không phải hung thủ giết bố mình thì ông cảm thấy rất mừng.
"Chúng tôi mừng lắm. Trước đây, dù có nghi ngờ nhưng hai gia đình vẫn bình thường, giờ mọi thứ được làm rõ thì chắc chắn hai bên vẫn là anh em, họ hàng", ông nhấn mạnh.
Ông cũng tâm sự, do mấy ngày qua bị quạt rơi vào mắt nên chưa sang chúc mừng cụ Thêm được.
"Chắc chắn tôi sẽ sang nhà nhưng tôi cũng mong là có một buổi thông báo rõ ràng mọi thứ về việc bố tôi bị sát hại, hung thủ thực sự và việc oan của cụ Thêm để hai gia đình trở về như trước", ông Vinh đề nghị.