Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, hiện nay, số lượng đấu giá viên của cả nước đã phát triển lên đến hơn 1.200 người, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 58 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành.
Số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long
Theo số liệu thống kê, từ tháng 07/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi.
Theo ông Long, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc.
“Còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau” để đấu giá”, Bộ trưởng cho hay.
Trên cơ sở đó, dự thảo được bổ sung quy định nghiêm cấm đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi.
Nghiêm cấm người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên.
Dự thảo cũng bổ sung cách thức bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin;
Đáng lưu ý, dự thảo cũng bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác...để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá.
Dự thảo còn bổ sung quy định về thời hạn tổ chức đấu giá tài sản phải chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước khi tham gia đấu giá mà không trả giá, trả giá dưới giá khởi điểm.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn lý do sửa đổi, bổ sung quy định “bước giá có thể là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định” và tại dự thảo Luật có quy định về việc các bên có thể thỏa thuận về bước giá trong các trường hợp cụ thể không, quy định về bước giá như vậy có tránh được các trường hợp thao túng, móc nối gây nhiễu loạn hoạt động đấu giá tài sản như hiện nay đang diễn ra hay không?
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi khái niệm “tài sản nhà nước” thành “tài sản công” để phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại một số điều khoản liên quan của Luật Đấu giá tài sản.
Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thay thế khái niệm “tài sản nhà nước” thành “tài sản công” tại các điều, khoản khác của Luật Đấu giá tài sản nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ và phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.