Con tàu "bị nguyền rủa" mang cho Trung Quốc bí kíp vô giá về tàu sân bay: Số phận trớ trêu

Vy Lam |

Sau 2 vụ tai nạn thảm khốc, con tàu biểu tượng cho sức mạnh hải quân Australia bỗng chốc trở thành con tàu "bị nguyền rủa". Ấy vậy mà, nó lại có cơ duyên với Trung Quốc.

Con tàu bị nguyền rủa

Năng lực triển khai sức mạnh không quân trên khắp các vùng đại dương từ lâu đã thu hút các đảo quốc. Những chiếc tàu sân bay đầu tiên đã được Anh và Nhật Bản triển khai. Sau khi kinh qua các cuộc tấn công bằng tàu ngầm và lực lượng đường không của Nhật Bản trong Thế chiến II, Australia cũng phải tìm kiếm cho mình một chiếc tàu sân bay.

Điều đó đã dẫn đến sự xuất hiện của Sydney – 1 trong 16 chiếc "tàu sân bay hạng nhẹ" được đặt ky tại Anh. Quá trình thi công con tàu phải tạm dừng vào cuối Thế chiến 2 nhưng Australia đã mua lại nó vào năm 1948, và đổi tên thành HMAS Sydney sau khi hoàn tất.

Con tàu dài 190m có thể mang tới 38 máy bay cánh quạt Sea Fury và Fairey Firefly. Những chiếc máy bay này đã tham gia Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu từ năm 1951, thực hiện 2.300 đợt xuất kích và thiệt hại 13 chiếc trong chiến đấu.

Con tàu bị nguyền rủa mang cho Trung Quốc bí kíp vô giá về tàu sân bay: Số phận trớ trêu - Ảnh 1.

Tàu sân bay HMAS Sydney. Ảnh: Wiki

Tuy nhiên, Hải quân Australia muốn một chiếc tàu sân bay có thể phóng và thu hồi máy bay. Do đó, Majestic - chiếc tàu chị em của Sydney - đã được đưa vào trang bị. Đổi tên thành HMAS Melbourne, con tàu này được hoàn thiện với boong dài 214m [thuộc hàng tiên tiến vào thời điểm đó], trang bị máy phóng hơi nước và móc hãm đà.

Năm 1956, tàu Melbourne thực hiện hành trình từ Glassgow tới Australia, mang theo 64 phi cơ trong đội hình bay. Con tàu với lượng giãn nước 17.630 tấn sử dụng 2 turbine giảm tốc và 4 nồi hơi, cho phép đạt tốc độ tối đa 24 hải lý/h.

Melbourne ban đầu mang theo một nhóm phi cơ hỗn hợp với 350 nhân sự. 8 tiêm kích đánh chặn 2 động cơ De Havilland Sea Venom FAW.53 trang bị radar APS-57 cung cấp khả năng phòng không. Trong khi đó, 16 chiếc Fairey Gannet AS.1s 3 chỗ ngồi có thể thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các tàu ngầm diesel-điện nổi. Chúng sau đó được bổ trợ bởi các trực thăng săn ngầm Westland Wessex.

Đóng vai trò là biểu tượng cho sức mạnh hải quân Australia, Melbourne đã phô trương lá cờ của mình khắp Thái Bình Dương và thậm chí "tỏa sáng" trong bộ phim hậu khải huyền mang tên "The Beach".

Tuy nhiên, nó vẫn là một trong những tàu sân bay nhỏ nhất hoạt động sau Thế chiến 2, bị hạn chế bởi độ dài boong tàu và nguồn nước cho hệ thống máy phóng hơi nước. HMAS Melbourne chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ chống ngầm, phi đoàn trên tàu sân bay giảm quy mô xuống chỉ còn 10 máy bay và 10 trực thăng.

Con tàu bị nguyền rủa mang cho Trung Quốc bí kíp vô giá về tàu sân bay: Số phận trớ trêu - Ảnh 2.

Tàu sân bay HMAS Melbourne năm 1967. Nguồn: Wiki

Ngày 10/2/1964, tàu sân bay Melbourne và tàu khu trục HMAS Voyager bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển sau quá trình tu sửa. Đêm hôm đó, chiếc Voyager làm nhiệm vụ "canh gác máy bay", sẵn sàng hỗ trợ các tổ bay từ biển nếu họ gặp nạn trong lúc cất cánh. Tàu Melbourne đã thiệt hại khoảng 30 máy bay trong suốt những năm hoạt động, phần lớn do tai nạn khi cất và hạ cánh.

Sau 1 lượt, vào lúc 20h52, tàu Voyager tiếp tục lượt canh thứ 2. Tuy nhiên, do bất cẩn, hai tàu Voyager và Melbourne đã xảy ra va chạm thảm khốc, khiến 82 trong tổng số 314 người trên tàu Voyager thiệt mạng.

Trong những năm 1960 và 70, tàu Melbourne được nâng cấp radar và trang bị 20 máy bay tấn công A-4G Skyhawk [do Mỹ chế tạo] được điều chỉnh để mang được 4 tên lửa dò nhiệt Sidewinder đảm nhận nhiệm vụ phòng không, 29 máy bay S-2E và S-2G Tracker có khả năng săn lùng tàu ngầm, được lắp đặt phao sonar cùng ngư lôi và radar.

Trong năm 1969, Melbourne đã cùng 3 tàu khu trục của Mỹ và 2 khinh hạm của New Zealand tập trận tại vịnh Subic, ngoài khơi Philippines. Tại đây, tàu Melbourne xảy ra va chạm với tàu khu trục Frank E. Evans của Mỹ, khiến 74 trong số 273 người trên tàu Frank thiệt mạng. Trong khi đó, tàu Melbourne một lần nữa thoát nạn, chỉ hư hỏng nặng ở mũi tàu.

HMAS Melbourne trở thành con tàu "bị nguyền rủa". Nó phục vụ cho tới những năm 1970 nhưng chi phí duy trì ngày càng đắt đỏ do đơn vị chế tạo con tàu đã phá sản. Khi tàu Melbourne về hưu năm 1982, Canberra đã lên phương án thay thế và nhận được một đề nghị đặc biệt hấp dẫn: Mua lại tàu sân bay Invincible của Anh với giá 285 triệu AUD.

Thế nhưng, số phận một lần nữa chen ngang theo cách bất ngờ: Hai tháng sau khi Australia tuyên bố ý định mua tàu sân bay, binh lính Argentina đã tấn công đảo Falkland. Hải quân Hoàng gia Anh đột ngột cần phải huy động tất cả tàu sân bay tham chiến, và cuối cùng họ đã quyết định giữ chúng lại ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc vào tháng 6/1982.

Tàu Melbourne neo đậu tại cảng thêm 3 năm và được lên kế hoạch cải tạo thành tàu chở trực thăng hoặc sòng bạc nổi nhưng sau đó, một công ty đóng tàu của Trung Quốc đã mua lại con tàu này với giá 1,4 triệu AUD.

"Kho báu" với Bắc Kinh

Lời nguyền có vẻ vẫn đeo bám tàu Melbourne. Trên đường tới Trung Quốc, nó đã bị đứt dây kéo và mắc cạn.

Khi về được tới Quảng Châu, con tàu đã nhanh chóng được Hải quân Trung Quốc "chộp lấy" và mổ xẻ-nghiên cứu kỹ càng suốt 17 năm sau đó. Mặc dù hệ thống điện tử và thiết bị lái đã bị tháo dỡ hoặc phá hỏng nhưng hệ thống máy phóng hơi nước và hãm đà của tàu Melbourne vẫn còn nguyên vẹn.

Có tin đồn phần boong tàu đã được Hải quân Trung Quốc sử dụng để thực hành hạ cánh.

Sau này, Trung Quốc đã mua thêm tàu sân bay của Liên Xô và hiện đang chế tạo tàu sân bay nội địa Type 003. Theo nhà phân tích Sébastien Roblin trên tạp chí National Interest, con tàu này chắc chắn đã được ứng dụng những kiến thức rút ra được từ nghiên cứu của PLAN về tàu Melbourne.

Về phần Australia, nước này đã không có được chiếc tàu sân bay mới nào, và buộc phải cho nghỉ hưu phi đoàn máy bay cánh cố định trên hạm vào năm 1984.

Tuy nhiên, nhà phân tích Sébastien Roblin cho rằng, nếu Hải quân Australia thực sự mong muốn có được khả năng triển khai máy bay từ biển, họ có thể tìm cách mua các tiêm kích F-35B của Mỹ để triển khai trên các tàu tấn công đổ bộ mới lớp Canberra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại