"Cơn sốt" kỳ lạ ở Trung Quốc: Chi tiền cho nhóm người lạ để nhận được những lời "tâng bốc" đến tận mây xanh

HƯƠNG GIANG |

Các nhóm như thế này cung cấp dịch vụ mà ở đó bạn có thể mời một người khác tham gia nhóm chat, người đó sẽ nhận được những lời khen tùy theo ý thích của họ.

Quá chán nản về những lời bình luận gắt gao trên mạng xã hội, cư dân mạng Trung Quốc hiện đang đổ xô đi tìm những nhóm chat - ở đó họ sẽ trả tiền để nhận được những lời khen ngợi, ca tụng. 

"Cơn sốt" này chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội WeChat, ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc, và QQ - đều thuộc sở hữu của gã khổng lồ Tencent.

Theo đó, các phóng viên của CNBC đã có cuộc phỏng vấn với những cư dân mạng sử dụng "dịch vụ" này để tìm hiểu cách thức hoạt động. 

Các nhóm cung cấp được gọi là "kuakuaqun" có nghĩa là "nhóm người chuyên khen ngợi".

Người dùng có thể tìm kiếm các nhóm này trên Taobao, một trang web thương mại điện tử của Alibaba. Trên đó có khá nhiều nhóm khác nhau, với nhiều mức giá, khởi điểm từ khoảng 35 tệ (5,21 USD). 

Sau khi đặt mua một "gói" lời khen trên Taobao, người bán sẽ liên hệ và mời bạn tham gia vào nhóm chat trên WeChat. Ở đây, bạn có thể "đắm chìm" trong những lời khen ngợi từ nhiều người khác nhau.

Tuy nhiên, loại hình này dường như có khá nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. 

Một quản trị viên của nhóm tiết lộ rằng họ cung cấp dịch vụ mà ở đó bạn có thể mời một người khác tham gia nhóm chat, người dùng sẽ nhận được những lời khen tuỳ theo ý thích của họ. 

Người này cho biết họ sẽ tính phí 15 tệ cho 3 phút, hoặc 25 tệ cho 5 phút khen trong nhóm chat trên WeChat. 

Người dùng có thể gửi thêm thông tin như chi tiết về mối quan hệ với một người, những gì họ thích và không thích. 

Sau đó, họ sẽ được mời vào một nhóm chat gồm danh sách những người họ đã nêu tên và rồi "cơn lốc" lời khen bắt đầu. Quản trị viên này cho hay đây là công việc phụ và anh làm trong thời gian rảnh cùng bạn bè.

Cơn sốt kỳ lạ ở Trung Quốc: Chi tiền cho nhóm người lạ để nhận được những lời tâng bốc đến tận mây xanh - Ảnh 1.

Khi sử dụng dịch vụ này, bất kỳ điều gì bạn chia sẻ cũng sẽ nhận được những lời khen từ hàng trăm người khác.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng những nhóm miễn phí. 

Các phóng viên của CNBC tìm thấy một số bài đăng trên mạng xã hội Douban dành cho những nhóm "dịch vụ khen", sau đó họ đã truy cập vào nhóm có tên "Abelard" trên WeChat để thử nghiệm dịch vụ độc đáo này.

Người dùng được "lấp đầy" bởi những lời khen đến từ nhiều người chỉ trong vòng vài giây. Phóng viên này đăng một tin nhắn: "Chào buổi sáng. 

Tôi vừa chuyển đến một địa điểm mới và có nhiều thời gian ở một mình." Ngay sau đó, một người dùng WeChat trả lời: "Tuyệt quá! 

Bây giờ bạn đã có nhiều thời gian rảnh hơn. Hãy nhân cơ hội này để tận thưởng 'khoảng thời gian của riêng bạn'. Một người có thể cảm thấy hạnh phúc bởi chính bản thân mình. Và bạn có chũng tôi ở đây!"

Phóng viên CNBC, người mới chuyển đến Quảng Châu, sau đó "tâm sự" với nhóm rằng anh đang học tiếng Trung. 

Một người khác trả lời: "Việc học của bạn là không có giới hạn. Bạn là một người rất chăm chỉ. Tôi tin rằng bạn sẽ thành thạo tiếng Trung thôi!"

Cơn sốt kỳ lạ ở Trung Quốc: Chi tiền cho nhóm người lạ để nhận được những lời tâng bốc đến tận mây xanh - Ảnh 2.

Quản trị viên của nhóm "Abelard" cho rằng các nhóm có thể động viên cả người khen và người được khen.

Các nhóm "dịch vụ" khen như thế này khá đông đúc, ví dụ như nhóm trên có tới gần 500 người tham gia và một nhóm khác được CNBC khảo sát là là 240 người.

Dường như xu hướng này thậm chí còn "hot" hơn trong vài ngày vừa qua, bởi nó thường xuyên xuất hiện trên khắp các diễn đàn của Trung Quốc.

Một bài đăng trên Zhihu, tương tự như Quora, trích dẫn lại một bài đăng từ ngày 7/3 năm ngoái: Một người dùng phàn nàn về việc không thể tập trung khi đang đọc, người khác ngay lập tức trả lời: "Điều này có nghĩa là vốn kiến thức của bạn còn hơn cả cuốn sách đó!"

Từ trước tới nay, mạng xã hội thường xuyên bị chỉ trích bởi những tác động tiêu cực đến sức khoẻ tâm lý con người và nhiều công ty đã bị cáo buộc rằng chưa đưa ra đủ biện pháp để ngăn chặn những nội dung nhạy cảm trên nền tảng của họ. 

Xu hướng chi tiền để nhận được lời khen ngợi có thể là một cách họ đối mặt với hiện tượng gây nhức nhối: "nhóm chửi rủa" - xuất hiện trên WeChat hồi năm ngoái. 

Người dùng sẽ truy cập các nhóm đó để "ném đá" và đưa ra những lời lẽ xúc phạm lẫn nhau.

Quản trị viên của "Abelard" cho biết mọi người cần học cách cho đi và khen ngợi người khác nhiều hơn. 

Anh này nói: "Chúng ta thường không khen ngợi chính mình và chúng ta thường ngần ngại khi động viên người khác bằng những lời khen. 

Mục đích ban đầu của nhóm này là giúp chúng ta học cách khen ngợi người khác và chấp nhận lời khen một cách tự tin. Tại đây chúng ta có thể vứt bỏ mọi thù hằn, giúp đỡ và động viên người khác bằng trái tim mình."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại