Con sông dài thứ 2 châu Á sắp "bốc hơi" khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra?

Trang Ly |

Từ con sông dài thứ 2 ở châu Á, Hoàng Hà đối mặt nguy cơ cạn kiệt và có thể biến mất hoàn toàn trên Trái Đất.

Từ miền Tây xa xôi của nước Mỹ đến Trung Quốc rộng lớn, từ "xứ sở của những chú chuột túi" đến đất nước Ấn Độ - cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Ấn, tất cả đang chứng kiến thực trạng một số con sông trọng yếu của Trái Đất đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Bị khai thác đến cạn kiệt cho nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cũng như một phần từ biến đổi khí hậu là những lý do mà Tạp chí National Geographic (Mỹ) đưa ra để lý giải cho nguy cơ đáng báo động này.

Nhân Ngày Nước sạch Thế giới 22/3 (World Water Day, được Liên Hiệp Quốc chọn từ năm 1993), National Geographic liệt kê 7 con sông đối mặt thảm kịch biến mất hoàn toàn trên hành tinh để khuyến khích cộng đồng suy ngẫm về tình trạng khan hiếm tài nguyên nước ngọt trên thế giới.

1. Sông Colorado

Khu vực: Tây Nam Mỹ và Tây Bắc Mexico

Chiều dài: 2.330 km

Colorado là sông lớn nhất và quan trọng nhất của vùng tây nam Bắc châu Mỹ. Lưu vực đầu nguồn của con sông này chảy qua 7 tiểu bang Mỹ và 2 bang Mexico.

Theo số liệu của các nhà môi trường, sông Colorado là một trong những dòng sông bị khai thác triệt để nhất trên Trái Đất. Colorado river đang cung cấp nước cho khoảng 30 triệu người. Dọc theo chiều dài 2.330km của con sông, xuất hiện rất nhiều đập và nhà máy thủy điện phục vụ cho nông nghiệp và thủy điện. Đó là lý do, nước của con sông này hiếm khi đến được với đại dương.

Con sông dài thứ 2 châu Á sắp bốc hơi khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Ảnh: Pete McBride/National Geographic

Mỹ và Mexico đang lên kế hoạch khôi phục dòng chảy tự nhiên của sông Colorado để nó có cơ hội chảy ra biển lớn bằng cách loại bỏ một số đập nước trong tổng hơn 20 đập thủy điện lớn dọc theo sông. Tuy nhiên, những nỗ lực này được tiến hành một cách chậm chạp. Do đó, sông Colorado đối mặt nguy cơ cạn kiệt rất lớn.

2. Sông Amu Darya

Khu vực: Thuộc biển Aral, Trung Á

Chiều dài: 2.414 km

Sông Amu Darya là một trong 2 con sông lớn nhất Trung Á (cùng với sông Syr Darya) tạo thành biển Aral.

Biển Aral là một vùng bồn địa trũng gồm hồ và sông tạo thành một biển kín (không chảy ra đại dương mà nằm kín trong lục địa). Do có nồng độ muối cao trong nước nên Aral được gọi là biển.

Việc sông Amu Darya đối mặt nguy cơ cạn kiệt bắt nguồn từ những chính sách kinh tế của Liên Xô những năm 1960. Thời kỳ đó, Liên Xô quyết định xây dựng một mạng lưới thủy lợi khổng lồ (bao gồm hệ thống các kênh, 45 con đập và hơn 80 hồ chứa) nhằm cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng bông và lúa mì ở Kazakhstan và Uzbekistan.

Tuy nhiên, hệ thống bị rò rỉ và mất dần tính hiệu quả của nó. Sau vài thập kỷ, sông Amu Darya đã mất quá nhiều nước đến nỗi dòng chảy tự nhiên của nó không còn đến được biển Aral. Đến nay, từ con sông dài hơn 2.400km, Amu Darya chỉ còn vỏn vẹn 110km.

Con sông dài thứ 2 châu Á sắp bốc hơi khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra? - Ảnh 2.

Ảnh: Carolyn Drake/National Geographic.

Mất đi một trong hai nguồn nước chính, biển Aral bị thu hẹp nhanh chóng. Chỉ trong vài thập kỷ, Aral chỉ còn một số hồ nhỏ với tổng lượng nước chỉ bằng 1/10 so với ban đầu.

Nước dần bốc hơi do tình trạng nắng nóng liên tục trên Trái Đất. Không những thế, hàng triệu con cá chết, những người dân cố gắng bám trụ nơi này thì sống chìm ngập trong các cơn bão bụi độc hại - tàn dư từ những cuộc thử nghiệm vũ khí trong khu vực.

3. Sông Syr Darya

Khu vực: Thuộc biển Aral, Trung Á

Chiều dài: 2.212 km

Mang số phận tương tự với dòng sông "chị em" Amu Darya của nó, sông Syr Darya cũng bị khai thác triệt để và ô nhiễm nặng nề.

Sông Syr Darya bắt nguồn bằng hai đầu nguồn trong dãy Thiên Sơn ở Kyrgyzstan và đông Uzbekistan rồi chảy trong khoảng 2.212 km theo hướng tây và tây bắc qua miền nam Kazakhstan tới biển Aral.

Vào thế kỷ 18, một hệ thống kênh rạch được xây dựng trên sông Syr Darya. Hệ thống kênh rạch này tiếp tục được các kỹ sư Liên Xô mở rộng rất nhiều trong thế kỷ 20, phần lớn là để phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng bông rộng lớn; cũng như cấp nước cho các thành phố như Kokand, Khujand, Kyzyl-Orda và Turkestan.

Hệ quả là, gần như toàn bộ dòng chảy của con sông đã bị chuyển hướng, chỉ còn lại một dòng chảy nhỏ chảy vào biển Aral.

Con sông dài thứ 2 châu Á sắp bốc hơi khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra? - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Ngày nay, sông Syr Darya không những bị khai thác triệt để đến mức cạn kiệt mà nó còn bị ô nhiễm đến mức được khuyến cáo là không nên sử dụng để uống hoặc tưới tiêu.

Ngân hàng Thế giới (WB) đang nỗ lực hồi sinh con sông này bằng việc tài trợ một dự án đập và phục hồi nước sông Syr Darya; đồng thời tăng dòng chảy tự nhiên của nó đến biển Bắc Aral.

4. Sông Rio Grande

Khu vực: Tây Nam bang Colorado (Mỹ) đến Vịnh Mexico

Chiều dài: 3.051 km

Rio Grande thuộc top 5 hệ thống sông dài nhất Bắc Mỹ. Dòng chảy tự nhiên trước kia của con sông xác định phần lớn biên giới giữa bang Texas của Mỹ và Mexico.

Con sông dài thứ 2 châu Á sắp bốc hơi khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra? - Ảnh 4.

Ảnh: Internet

Việc dân số hai quốc gia bùng nổ cộng với nhu cầu nước cho nông nghiệp và công nghiệp dọc con sông khiến cho Rio Grande dần trở nên thu hẹp. Dòng chảy tự nhiên của nó từ năm 2000 đã không thể chảy ra Vịnh Mexico.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến cho tình hình hạn hán tại con sông thêm trầm trọng. Các vùng đất ngập nước của khu vực, từng là nơi sinh sống của các loài chim di cư, hiện cũng trở nên khô cạn.

5. Sông Hoàng Hà

Khu vực: Trung Quốc

Chiều dài: 5.464 km

Hoàng Hà là con sông dài thứ hai ở châu Á (sau sông Dương Tử) và dài thứ sáu trên thế giới. Hoàng Hà bắt nguồn từ dãy núi Côn Lôn ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, từ độ cao 4.500m.

Vùng sông Hoàng Hà là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa được biết đến sớm nhất và nó có một lịch sử lâu đời và phức tạp trong khu vực. Vô số trận lụt trong nhiều thế kỷ dẫn đến những mất mát thảm khốc liên quan đến người và của. Năm 1931, một trận lũ lụt lớn tại khu vực này đã khiến hàng triệu người thiệt mạng.

Con sông dài thứ 2 châu Á sắp bốc hơi khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra? - Ảnh 6.

Ảnh: Internet

Kể từ năm 1972, sau hàng loạt các hoạt động phục vụ cho nông ngiệp và nhu cầu nước dùng của người dân mà dòng chảy tự nhiên của sông Hoàng Hà đã không thể đi ra đến biển. Tồi tệ hơn, đến năm 1997, hạ lưu con sông này đã không chảy trong 230 ngày. Sự sụt giảm đáng kể về nguồn nước như vậy đã làm tê liệt vùng đồng bằng vốn giàu sinh thái.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước để khôi phục dòng chảy tự nhiên của con sông dài thứ hai châu Á trước khi cạn kiệt vì gánh nặng từ nhu cầu của con người.

6. Sông Murray

Khu vực: Australia

Chiều dài: 2.375 km

Là con sông dài nhất và mang tầm kinh tế quan trọng bậc nhất của Australia, sông Murray do bị khai thác cạn kiệt để phục vụ cho nông nghiệp cũng như nhu cầu sinh hoạt của người dân, đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Con sông dài thứ 2 châu Á sắp bốc hơi khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra? - Ảnh 7.

Ảnh: Internet

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nước bốc hơi nhiều, cộng với việc nước bị hút khỏi sông quá nhiều đã khiến cho độ mặn của nước sông Murray tăng lên. Vô hình chung đe dọa đến chính hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Thung lũng Murray - vốn là vùng nông nghiệp năng suất cao nhất của Australia.

Chưa hết, sông Murray còn phải đối mặt với các mối đe dọa môi trường nghiêm trọng khác, bao gồm dòng chảy bị ô nhiễm, đặc biệt là từ các trang trại ở bốn tiểu bang của Australia .

7. Sông Teesta

Khu vực: Ấn Độ, Bangladesh, Vịnh Bengal

Chiều dài: 315 km

Thượng nguồn của sông Teesta (hay sông Tista) bắt đầu ở phía đông dãy Himalaya, chảy qua các bang Tây Ấn và bang Sikkim của Ấn Độ, đến Bangladesh rồi đổ vào Vịnh Bengal.

Con sông dài thứ 2 châu Á sắp bốc hơi khỏi Trái Đất: Điều đáng sợ gì đang xảy ra? - Ảnh 9.

Ảnh: Internet

Sông Teesta được xem là "huyết mạch" của bang Sikkim, tuy nhiên trong những năm gần đây, do bị khai thác triệt để để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt đời thường nên nước sông dần cạn kiệt.

Hệ quả hiển nhiên là ngư dân không còn có thể kiếm sống dọc theo bờ sông của mình nữa; trong khi hàng ngàn nông dân đã mất nguồn cung cấp nước cho ruộng đồng.

Trong khi đó, Ấn Độ lại cho xây những con đập khổng lồ dọc theo sông Teesta với hy vọng tạo ra một lượng thủy điện lớn. Ngay sau đó, các nhà địa chất cảnh báo, sức nặng của các con đập khổng lồ này có thể gây ra động đất trong khu vực.

Theo chuyên gia, để cứu con sông Teesta không bị cạn kiệt, cả Ấn Độ và Bangladesh phải có những những chính sách sử dụng và chia sẻ tài nguyên nước hợp lý.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại