Còn quá sớm để đánh giá tiêm kích thế hệ thứ 5 nào mạnh nhất

Đỗ Trọng Phương |

Cho đến nay vẫn chưa có một chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 nào phải đối đầu với hệ thống phòng không tầm xa hiện đại hay máy bay đối phương.

Hãng tin Sputnik mới đây đã mời chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin phân tích về sự phát triển trang bị và nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, thứ 5 của các nước.

Bài phân tích nói rằng, tiêm kích mới nhất của Trung Quốc J-20 xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải và nhiều bài báo ca ngợi về khả năng của J-20 đã dấy lên sự so sánh tính năng của J-20 với F-35, F-22 và Su-57.

Khi báo chí Trung Quốc viết về J-20, điều tập trung đầu tiên là về khả năng xạ tốc nhanh của vũ khí, tính năng tàng hình kể cả khi tiếp dầu trên không. Nhiều chuyên gia nổi tiếng trong ngành hàng không và công nghiệp quốc phòng đều viết về phạm vi này. Điều đáng bàn là, hầu hết các máy bay thế hệ mới đều sẽ có những bài viết như vậy.

Còn nhớ hơn 10 năm trước một số chuyên gia từng nói rằng máy bay FC-1 của Trung Quốc – Pakistan sẽ là một ngôi sao sáng trên thị trường vũ khí toàn cầu và sẽ thay thế Mig-29 của Nga. Nhưng cho đến gần đây Nigeria và Myanmar mới bắt đầu đặt mua Mig-29. Nga vẫn liên tục xuất khẩu Mig-29 trong những năm qua, dù số lượng có ít hơn Su-30.

Trên thực tế, chúng ta không có nhiều thông tin về tiêm kích thế hệ thứ năm, thí dụ như chúng ta biết rằng J-20 có đầy đủ đặc trưng của tiêm kích thế hệ hứ 5, trừ động cơ do động cơ WS-15 của Trung Quốc chưa hoàn thiện nên vẫn phải sử dụng động cơ cũ AL-31F của Nga. Người ta nói rằng J-20 bước đầu đã thực hiện khả năng tác chiến, song chúng ta không rõ là trên phương diện nào.

Đối với F-22, F-35 và Su-57 , có nhiều thông tin hơn một chút bởi đã có kinh nghiệm thực chiến.

Những máy bay này đều đã tham gia tác chiến ở Trung Đông, như Su-57 của Nga với vũ khí tiên tiến đã được kiểm nghiệm ở chiến trường Syria. Điều đó cho thấy quân đội Nga rất tự tin vào tính năng của Su-57.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 nào phải đối đầu với hệ thống phòng không tầm xa hiện đại hay máy bay đối phương. Những chiếc máy bay này chưa có cơ hội đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nhất của tác chiến trên không là thực hiện nhiều đợt cất cánh trong cả ngày lẫn đêm như những chiếc máy bay thế hệ trước đó thực hiện hồi những năm 1980.

Tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga, Mỹ và Trung Quốc đều chưa rõ ràng trong nhiều vấn đề, bao gồm khả năng hoạt động thực tế và vai trò trong tương lai.

Cho đến nay Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đặt nhiều hi vọng hơn vào các máy bay thế hệ trước đó: Mỹ đang tính nâng cấp và khôi phục sản xuất F-15, còn Trung Quốc cũng đang phát triển một loạt các máy bay hạng nặng trên nền tảng Su-27.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại