Con phố ở Hải Phòng đầy ắp các cửa tiệm bánh Trung thu lâu đời, người địa phương chỉ nhìn nhân cũng đoán được thương hiệu

Hạnh Mỹ |

Những cái tên như Đông Phương, Thanh Lịch hay Như Ý Cát Tường... đã trở thành thương hiệu bánh trung thu của người Hải Phòng.

Trong cỗ trung thu của các gia đình Việt Nam, ngoài mâm ngũ quả thì không thể thiếu những cặp bánh nướng - bánh dẻo. Bánh nướng - bánh dẻo, hình vuông - hình tròn, mang ý nghĩa cầu mong cuộc sống vẹn toàn, tròn đầy.

Ngày nay, do ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, người ta có thể sáng tạo ra nhiều loại bánh trung thu với hình dáng, kích thước và cả nhân bánh khác nhau. Song, cứ đến dịp Trung thu thì những cửa hàng làm bánh trung thu kiểu truyền thống hay lâu đời vẫn luôn được nhắc tới và được không ít gia đình lựa chọn dẫu mẫu mã không đa dạng bằng nhưng hương vị mang nét cũ kỹ mà chất chứa bao hoài niệm.

Và thay vì mọi năm mọi người vẫn thường nhắc về các hàng bánh Bảo Phương, Ninh Hương,... như một nét đặc trưng chỉ riêng mùa trung thu Hà Nội mới có, thì tại Hải Phòng cũng có không ít các gia đình nối nghề, nối nghiệp với thương hiệu bánh trung thu truyền đời mà người dân nơi đây cứ tới rằm tháng 7, tháng 8 lại nườm nượp tìm tới.

Một con phố dài hơn 600m với gần 10 cửa hàng bánh trung thu ở Hải Phòng

Con phố Cầu Đất nối từ ngã tư Thành đội đến nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, cắt đường Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo), Lương Khánh Thiện, Cát Dài. Khi con đường này được mở có tên là Pôn Dume (Avenue Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương ), song, người dân vẫn gọi là Cầu Đất. Từ thời Pháp thuộc, đây đã là một trong những phố có vị trí quan trọng và buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố. Các nghề thủ công chủ yếu của người Việt ở đây là giầy da, bật bông, bánh kẹo, tiệm ăn, tạp hóa và chụp ảnh.

Ngày nay, phố Cầu Đất vẫn là một trung tâm buôn bán lớn của thành phố cảng. Nếu như phía bên phải là một số hàng ăn, tiệm nhạc cụ và tiệm vàng bạc đá quý lớn thì khung cảnh bên trái lại là những tiệm bán bánh kem, bánh nướng, bánh dẻo, mứt quả, lễ ăn hỏi.... nằm san sát nhau. Mặc dù các mặt hàng này luôn được sản xuất và phục vụ quanh năm, song, người ta vẫn "xúm đông xúm đỏ" mỗi dịp cận kề Tết Trung thu.

Con phố ở Hải Phòng đầy ắp các cửa tiệm bánh Trung thu lâu đời, người địa phương chỉ nhìn nhân cũng đoán được thương hiệu - Ảnh 1.

Trên con phố dài hơn 600m, nhất là đoạn từ đầu ngã tư Thành đội rẽ sang, tới đoạn giao Cát Dài - Lương Khánh Thiện, là nơi tập trung hàng loạt thương hiệu bánh trung thu. Có thể kể đến là Bình Minh, Đông Phương, Thanh Tâm, Thanh Lịch, Kim Thanh, Lâm Hương, Chi Long, Như Ý Cát Tường, Song Kim. Mà cái hay ở chỗ, nếu hỏi bất kỳ người bản địa nào cũng đã biết hoặc nghe tới 9 cái tên này.

Hầu hết là thương hiệu truyền đời, có hàng tuổi đời 84 năm

Theo tư liệu tìm được, cửa hàng Đông Phương do cụ Bạch Văn Uy sáng lập, bắt đầu kinh doanh các loại bánh mứt cổ truyền như bánh nướng, bánh dẻo, oản, mứt quả... từ năm 1950. Đến những năm 1990, nghề sản xuất thủ công này đã được truyền lại cho các con và tới nay đã có đời thứ 3 kế nghiệp. Nhắc đến Đông Phương, có lẽ là cửa hàng bánh mứt thành công nhất ở thời điểm hiện tại khi mới đầu mùa mà cửa hàng lúc nào cũng tấp nập người ra, người vào, cả mua lẻ và đặt sỉ.

Tiết lộ từ một người trong của hàng Thanh Tâm: "Nhà chú ra đời sau cửa hàng Đông Phương một vài năm. Là bố làm trước rồi truyền cho các anh em trai, sau này lấy vợ thì vợ chồng đều làm. Mỗi người phụ trách một công đoạn, anh trai chú thì làm chính ở xưởng sản xuất bánh, còn chú thì phụ trách mẫu mã, bán hàng. Đáng tiếc rằng các con sau này đều không đi theo con đường của gia đình."

Con phố ở Hải Phòng đầy ắp các cửa tiệm bánh Trung thu lâu đời, người địa phương chỉ nhìn nhân cũng đoán được thương hiệu - Ảnh 4.

Còn theo ghi chép, Hiệu bánh Bình Minh do vợ chồng cụ Lê Văn Lụa và Nguyễn Thị Cán mở từ năm 1950. Sau này, con cháu đã phát triển thương hiệu Bình Minh của gia đình và mở thêm nhiều thương hiệu nổi tiếng khắp Hải Phòng, Quảng Ninh như Kim Thanh, Thanh Lịch hay Hoàng Lê.

Như Ý Cát Tường cũng là một trong những cửa tiệm quen thuộc, ra đời từ năm 1960. Mặc dù ngày nay chỉ có một lượng khách nhất định, song, trong ký ức của nhiều người dân Hải Phòng, 20 năm trước, đây mới chính là cửa hàn được ưa chuộng nhất. Một thời, người ta cũng phải nhận chỗ trước cửa số nhà 68 Cầu Đất từ tờ mờ sáng để mua được mẻ bánh trung thu ấm nóng.

Con phố ở Hải Phòng đầy ắp các cửa tiệm bánh Trung thu lâu đời, người địa phương chỉ nhìn nhân cũng đoán được thương hiệu - Ảnh 5.

Nằm khiêm nhường bên cạnh Như Ý Cát Tường, song, ít ai biết rằng, Chi Long là một trong những cửa hàng đầu tiên bán bánh trung thu trên con phố Cầu Đất. Trò chuyện với cô Liên - người chủ hiện tại, cũng là người trực tiếp làm ra những mẻ bánh mứt của tiệm thì được biết:"Gia đình cô bắt đầu làm bánh trung thu từ đời cụ bà, là năm 1939. Riêng nhà cô thì nghề này chỉ truyền cho con gái nối nghiệp, tới cô là đời thứ 3 và con gái là đời thứ 4".

Con phố ở Hải Phòng đầy ắp các cửa tiệm bánh Trung thu lâu đời, người địa phương chỉ nhìn nhân cũng đoán được thương hiệu - Ảnh 6.

Năm tháng qua đi, hầu hết các xưởng sản xuất bánh trung thu thời ấy, nay đều đã trở thành thương hiệu bánh trung thu của Hải Phòng. Nhiều nhà cũng xây sửa lại cửa hàng kinh doanh, nhà cao cửa rộng. Song, có một điểm chung ở các cửa hàng này là vẫn giữ được những nét nguyên bản của năm xưa. Phía sau Đông Phương là một căn nhà cao 5 tầng tráng lệ, nhưng, đặt chân vào cửa tiệm, vẫn là logo hiệu bánh, bảng hiệu, chiếc tủ kính trưng bày đã nhuốm màu thời gian. Hay chữ Hán gắn liền với thương hiệu Như Ý Cát Tường, dòng chữ bánh mứt truyền thống ở cửa tiệm Chi Long.

Bánh trung thu của người Hải Phòng nhất định phải là thập cẩm, người bình thường chỉ nhìn nhân thôi cũng nhận ra "quán tủ"

Hải Phòng là cửa ngõ giao thương, con người nơi đây tương đối cởi mở và dễ dàng thích nghi với những cái mới. Như chuyện thương hiệu bánh trung thu từ nơi khác đồ về như Kinh Đô, Bibica của TP.HCM hay cả các dòng bánh cao cấp hơn ra đời từ các khách sạn và một số nhân bánh sáng tạo, đều được chào đón.

Tuy nhiên, với hầu hết những con người đã sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng, nếu như Tết trung thu mà không có bánh nướng - bánh dẻo nhân thập cẩm thì quả là một thiếu sót lớn. Với họ, dù rằm tháng Tám này chỉ ăn một miếng bánh, nhưng nhất định phải là bánh nhân thập cẩm. Điều này có phần khác biệt rất rõ với người miền Nam, cụ thể là tại TP.HCM thì bánh đậu xanh hay thập cẩm là tùy vào sở thích.

"Tôi lớn lên cùng với bánh nướng nhân thập cẩm. Thuở xưa nhà không có điều kiện, một chiếc bánh được cắt thành 6 miếng, chia cho 6 thành viên. Anh em tôi trước tiên phải hít hà mùi bánh, rồi mới ăn thật chậm, để cảm nhận từng vị của mứt bí, của lạp xưởng, của hạt dưa, lá chanh... dù nhân được trộn lẫn nhưng từng hương vị ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi".

Những hộp bánh màu đỏ truyền thống được người Hải Phòng mang đi muôn nơi làm quà, bất kể ngày thường hay trung thu.

Chẳng thế mà, mỗi gia đình Hải Phòng không chỉ chọn riêng một cửa hàng yêu thích mà còn có "biệt tài" phân biệt nhân của từng cửa hàng. Nếu hỏi 10 người Hải Phòng thì chắc hẳn cũng có tới 5-6 người chỉ cần nhìn vỏ bánh, ngửi hương thoáng qua hay nhìn phần nhân thập cẩm được cắt ra là gọi tên được các hàng.

Con phố ở Hải Phòng đầy ắp các cửa tiệm bánh Trung thu lâu đời, người địa phương chỉ nhìn nhân cũng đoán được thương hiệu - Ảnh 8.

"Theo kinh nghiệm ăn bánh trung thu hơn 20 năm của mình, có một số đặc trưng của từng cửa hàng bán bánh trung thu trên đường Cầu Đất.

Bánh nướng thập cẩm truyền thống Đông Phương đóng khuôn vuông vức, phần vỏ khô, phần nhân được trộn nhuyễn vừa phải, các nguyên liệu kết dính nhưng vẫn cảm nhận được các thứ như mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, vừng...

Bánh Chi Long phần vỏ bánh có màu đậm hơn, nhưng đóng khuôn không chắc tay. Vì là làm thủ công mọi công đoạn nên thấy rõ phần mứt bí, mỡ đường được xắt hạt lựu.

Bánh Lâm Hương có phần vỏ chắc chắn, màu vàng đậm, các cánh hoa từ khuôn được đóng vào sắc nét, bóng bẩy. Mứt bí xắt hạt lựu nhỏ, hòa quyện với phần nhân nhuyễn và rõ mùi lá chanh.

Có lẽ vì cùng nguồn gốc nên bánh Bình Minh và Thanh Lịch có phần vỏ mỏng tương tự nhau. Tuy nhiên, nhân của Thanh Lịch nhuyễn hơn Bình Minh, còn bánh của Bình Minh có nhiều lá chanh hơn".

Còn nếu muốn ăn bánh dẻo nhân thập cẩm, chưa có hàng nào vượt qua được Như Ý Cát Tường".

Con phố ở Hải Phòng đầy ắp các cửa tiệm bánh Trung thu lâu đời, người địa phương chỉ nhìn nhân cũng đoán được thương hiệu - Ảnh 9.

Từ trái qua phải là Thanh Lịch, Bình Minh, Lâm Hương, Chi Long, Đông Phương.

Bánh dẻo nhân thập cẩm của cửa hàng Như Ý Cát Tường.

Dù rằng vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống nhưng các thương hiệu bánh trung thu Hải Phòng vẫn tiếp nhận những xu thế và cải tiến để bánh truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại mới. Qua mỗi năm, các cơ sở sản xuất luôn cố gắng làm sao giảm bớt vị ngọt nhất có thể, để phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại