Con nợ có quyền bắt giữ người đòi nợ giao cho công an trong trường hợp nào?

Hoàng An |

Theo luật sư, dịch vụ đòi nợ thuê là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ chặt chẽ mọi quy định của pháp luật, không được tùy tiện đến nhà con nợ để đòi nợ.

Liên quan đến vụ việc 3 người của Công ty dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh bị con nợ hành hung, trưa 8/4 trao đổi với PV, luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng) bày tỏ quan điểm, đòi nợ thuê hiện nay là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp, được pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, dịch vụ này nằm trong nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 7, luật Doanh nghiệp. Cụ thể, đó là nhóm ngành nghề phải đảm bảo về các điều kiện an ninh trật tự, chứng chỉ hành nghề và yêu cầu có vốn pháp định.

Theo luật sư, dịch vụ đòi nợ thuê là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ chặt chẽ mọi quy định của pháp luật, không được tùy tiện đến nhà con nợ để đòi nợ.

"Ngành nghề này rất nhạy cảm, nếu việc đòi nợ không có biện pháp tốt dễ dẫn đến việc mất an ninh trật tự, và là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Hướng nói.

Ông phân tích, thứ nhất, ở góc độ nhóm người đi đòi nợ thuê, đến nhà con nợ và bị đánh thì buộc phải tôn trọng vào các hoạt động xác minh, điều tra của cơ quan công an. Chỉ có cơ quan điều tra mới có thể làm rõ được động cơ, mục đích đến tận nhà con nợ đòi là đúng hay không đúng.

Thứ hai, việc bắt và đánh nhóm đòi nợ thuê sẽ có 2 tình huống xảy ra: Nếu như, nhóm người đến đòi nợ có hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, cưỡng bức, đập phá, hủy hoại tài sản thì bị con nợ bắt giao cho công an là đúng.

Nếu nhóm đòi nợ thuê không có những hành vi kể trên, mà bị con nợ bắt để đánh đập thì có dấu hiệu vi phạm hình sự về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật" hoặc "Cố ý gây thương tích", tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm.

Con nợ có quyền bắt giữ người đòi nợ giao cho công an trong trường hợp nào? - Ảnh 2.

Luật sư Hoàng Văn Hướng.

Xã hội hiện nay có rất nhiều công ty, đơn vị đứng ra tổ chức dịch vụ thu hồi nợ, đòi nợ thuê cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

"Cùng với việc siết chặt về quy mô, tính chất hoạt động, việc theo dõi, xử lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật để tránh xảy ra những biến tướng, hậu quả xấu", luật sư khuyên.

Trước đó, sáng sớm 6/4, một nhóm nhân viên đòi nợ của Công ty dịch vụ đòi nợ Hưng Thinh (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) đến nhà ông Nguyễn Văn Lân (45 tuổi, ở xã Yên Thọ, thị xã Đồng Triều, Quảng Ninh) lạm việc.

Tại đây, hai bên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát. 3 nam nhân viên của công ty đã bị ông Lân cùng người nhà hành hung tóe máu, bắt nằm gục trên nền đất.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an thị xã Đông Triều, khoảng năm 2014, người đàn ông tên Thành ở phường Mạo Khê cho gia đình ông Nguyễn Văn Lân vay khoản nợ 400 triệu đồng, với lãi suất 2 triệu/100 triệu/1 tháng.

Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, gia đình ông Lân chưa trả, mới chỉ trả được phần lãi, vì vậy ông Thành đã thuê công ty đòi nợ Hưng Thịnh đến nhà ông Lân để làm việc.

Trong quá trình đòi nợ, do cách nói năng, cư xử không rõ ràng dẫn đến hiểu lầm. Nhóm đòi nợ có túm cổ áo con trai ông Lân trong lúc nói chuyện nên ông Lân đã đánh nhóm đòi nợ. Con trai ông quay clip lại và đưa lên mạng.

Cũng theo Công an thị xã Đông Triều, Công ty Hưng Thịnh có giấy phép kinh doanh đàng hoàng chứ không phải xã hội đen.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại