Trào lưu ném chai nước giữ thăng bằng (hay water bottle flip) xuất hiện trên internet cách đây 2 năm. Cách chơi rất đơn giản: người chơi tung chai nước lên không trung, sao cho chai nước chỉ xoay trên không rồi đứng thẳng khi tiếp đất.
Nhiều người cho rằng trò này phụ thuộc vào sự khéo léo và cả vận may của người chơi. Nhưng một nghiên cứu mới đây đã bật mí bí mật giúp cho việc ném chai nước thăng bằng trở nên dễ như ăn kẹo.
Và bí mật đó nằm ở lượng nước được rót vào chai.
Khi chai được tung lên, nước sẽ phân phối lại khối lượng chai nước. Chỉ khi lượng nước trong chai là vừa đủ, nó mới giúp chai nước đi theo một quỹ đạo như ý muốn.
Để dễ hình dung, bạn hãy nghĩ tới hình ảnh người nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật xoay mình tại chỗ. Họ thường thu tay lại sát cơ thể để xoay nhanh hơn. Còn trong cú tung chai nước, nước sóng sánh gây ra điều ngược lại: chai quay chậm hơn.
"Trong vật lí, chúng tôi gọi đây là sự bảo toàn động lượng góc," – ông Mees Flapper, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Với một lượng nước vừa đủ, chai sẽ giảm dần tốc độ quay và dường như dừng trên không trung theo phương ngang. Đây là điểm cao nhất của đường tung chai, để rồi sau đó chai rơi xuống theo phương thẳng đứng.
Chuyển động của nước trong một cú ném chai
Tuy nhiên, các nhà khoa học gặp khá nhiều bất lợi khi tiến hành tiến hành thí nghiệm trên nước. Do đó, họ sử dụng một mô hình thay thế là một lon rỗng hình trụ đựng hai trái bóng tennis.
"Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi quan sát thấy mô hình thay thế cũng cho ra kết quả tương tự." - ông Flapper cho biết thêm.
Nhóm nghiên cứu tính toán được lượng nước vừa đủ cho một cú ném chai thành công là 20% đến 40% dung tích của chai. Con số này khá gần với gợi ý của một số người chơi trên mạng, cho rằng nên rót đầy một phần tư đến một phần ba chai trước khi ném.
Có thể thấy, mục đích chính của thí nghiệm này là để kiểm chứng một hiện tượng thực tế. Từ đó, các nhà khoa học nhấn mạnh vai trò quan trọng của óc sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
"Bạn đừng ngại sáng tạo, kể cả trong những lĩnh vực trừu tượng và lí thuyết như vật lí." – ông Flapper nhắn nhủ.
Công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí American Physics.
Tham khảo: Livescience