Nhiều phụ huynh có con tuổi đi học vẫn hay đùa: Một trong những yếu tố chi phối không khí, tâm trạng, niềm vui nỗi buồn trong rất nhiều gia đình đó chính là... điểm số. Con đạt điểm cao, cả nhà vui như hội. Con học hành lẹt đẹt, điểm thấp, tất nhiên là cha mẹ ai cũng có chút chạnh lòng. Tuy nhiên, buồn thì có buồn nhưng trong tình huống không như ý, cách hành xử của cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng giúp con cân bằng cảm xúc và cải thiện thành tích sau này.
Từng trải qua tình huống "khó đỡ" này, chị Nhàn, (46 tuổi, hiện đang cư trú tại Quận 1, TPHCM), mẹ của cậu con trai năm nay 17 tuổi, đang học lớp 12, con gái 13 tuổi, đang học lớp 8 lại có cách ứng xử khác.
Câu chuyện bắt đầu từ thứ 4 tuần trước, khi đón con gái từ lớp về nhà. Bình thường lên xe, con tíu tít kể chuyện trong lớp, nhưng hôm đó, con ôm mặt khóc nấc. "Mình vội vàng hỏi han xem có chuyện gì. Con bảo cô dạy quá nhanh, chưa kịp hiểu đã xóa bảng, xin chụp ảnh lại thì cô không cho. Rồi, hôm nay làm kiểm tra, con làm không được. À mấu chốt của vấn đề là đây", chị Nhàn chia sẻ.
Chị Nhàn và con gái.
Chị tiếp tục lựa lời nói: "Cuộc sống là thế mà, đâu phải lúc nào cũng màu hồng, đâu phải lúc nào con cũng gặp được những người con yêu thích, sau này lớn lên đi làm cũng vậy, hên thì con gặp sếp tử tế, xui thì gặp sếp không tốt vậy thôi. Nếu không thể thay đổi thì mình phải tìm cách xử lý vấn đề. Có thể con chưa quen với cách dạy của cô. Với lại, điểm thấp hay cao không quan trọng, quan trọng là con thấy thế nào thôi. Xưa anh Chip đã từng bị 3 điểm Hoá đấy thôi, có sao đâu".
Dù được mẹ "bật đèn xanh" đổi chỗ học nếu không thích, con gái vẫn nhất quyết ở lại vì giận thì có giận nhưng vẫn rất... thích cô giáo. Rồi một chiều ngồi chờ đón con, chị Nhàn nhận được tin nhắn "khoe" điểm vì được những 4,5 điểm chứ không phải 2,5 như con dự đoán. Trên đường về con lại tíu tít: "Mẹ, hôm nay do đã học bài trước nên mấy tiết trôi qua khá là nhẹ nhàng, nay thấy cô cũng dễ thương".
Mẹ được dịp nói thêm: "Đó con thấy không, khi gặp vấn đề, mình không đổ lỗi cho hoàn cảnh, mình không thể đòi hỏi người khác thay đổi, mình phải tự tìm giải pháp, khi con thay đổi thái độ, cách nhìn nhận vấn đề là con thấy mọi việc nó sẽ khác ngay thôi".
Từ khi con còn nhỏ đến lớn, theo quan điểm của chị Nhàn, vấn đề của con, con tự giải quyết, mẹ chỉ làm quân sư "quạt mo", cho ý kiến và hỗ trợ hết mình. Khi nào con không giải quyết được, con cầu cứu mẹ sẽ tìm cách giúp. Chị cũng tuyệt đối không chỉ trích, hay nói xấu người khác trước mặt con.
Đoạn tin nhắn "khoe điểm" của con gái chị Nhàn với mẹ.
Dù mẹ khá "dễ dãi" nhưng hai bé nhà chị Nhàn đều có thành tích học tập tốt. Bạn lớn đang học lớp 12 tại một trường chuyên của TP.HCM, đang rất nỗ lực để có thể vào được một trường đại học tốt như mong ước. Bạn nhỏ đang học lớp chọn của khối 8 tại một trường THCS ở Q1.
Hai bé có hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Bé gái vui vẻ, hoạt bát, hoà đồng nên con đón nhận mọi thứ dễ dàng. Anh trai hướng nội, hơi khó hoà nhập, rất nghiêm túc, vô cùng trách nhiệm, khó chấp nhận thất bại nên hành trình đồng hành cùng con nó cũng khó khăn hơn một chút.
Từng kỳ vọng con rất nhiều
Trước khi có cách nhìn về thành tích, điểm số của con nhẹ nhàng như hiện tại, chị Nhàn cũng đã từng trải qua giai đoạn khá mệt mỏi vì kỳ vọng vào con. Nhưng khi con càng lớn, càng trải qua nhiều biến cố, chị càng nhận ra điều cuối cùng mình mong đợi nhất vẫn là làm sao để các con có một tuổi thơ trọn vẹn, một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
"Mình thực sự không tạo áp lực điểm số lên con nhưng đôi khi những câu hỏi quan tâm kiểu ‘bài kiểm tra con được mấy điểm?’ lại vô tình tạo áp lực lên con. Rồi cái cách mình vui ra mặt khi con được điểm cao nó vừa là động lực khích lệ vừa là áp lực cho con mà mình không hề biết.
Điều đó dẫn đến việc con tự áp lực lên bản thân, con tự cảm thấy thất vọng khi không đạt được thành tích như mong đợi, ngày qua ngày đè nặng lên con dễ dẫn đến trầm cảm, không nói được với ai, không biết giải toả như thế nào cho dù kết quả học tập của con xuất sắc. Bé trai nhà mình đã từng trải qua một khoảng thời gian khó khăn như thế nên mình luôn cố gắng cho con thấy điều duy nhất mẹ cần là nhìn thấy các con vui cười chứ không phải là bất cứ điều gì khác".
Nói về việc các con có thể nhận thấy mẹ khá "coi nhẹ" điểm số và sẽ chủ quan trong việc học hành, chị Nhàn cho rằng từ bé các con đã được luyện tập về tính tự giác, trách nhiệm, giới hạn và nếp sống gia đình. Các con luôn được tôn trọng nên hiểu rõ mình muốn gì.
Ảnh minh họa.
Chị tự nhận mình là người mẹ thẳng thắn, giữ lời, sẵn sàng lắng nghe, luôn hỗ trợ các con hết mình, cho các con thoải mái trong việc chơi và học. Chị cũng cho con được tự do dùng các thiết bị điện tử từ khi vào lớp 6 như một công cụ học tập và để con có thể dễ dàng tiếp cận với những nguồn thông tin, kiến thức hữu ích. Dù chưa bao giờ trách phạt khi con điểm thấp nhưng chỉ cần con lơ là đi lệch 1 chút là tự biết điều chỉnh về đúng hướng, không dám chủ quan.
"Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình"
Nhìn lại hành trình nuôi dạy con, chị Nhàn cho rằng, điều may mắn nhất là mình đã học được cách tự nhìn nhận phần lỗi từ bản thân, khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra đều tự hỏi "mình đã sai ở chỗ nào? Mình cần thay đổi gì để mọi việc tốt đẹp hơn?".
Như bao đứa trẻ khác khi bước vào tuổi dậy thì, ban đầu các con chị Nhàn có xu hướng đối đầu với ba mẹ để thể hiện mình sau bao năm răm rắp gọi dạ bảo vâng. Chị Nhàn lại là người nhạy cảm nên mỗi câu nói khác bình thường của con đều làm chị lưu tâm.
"Từ bé các con ngoan lắm, nói gì cũng nghe, đột nhiên đến một ngày lớp 7 mình nói, con bật lại ‘vầng, mẹ là nhất’. Thay vì bực tức với thái độ của con thì chính câu nói đó làm mình giật mình suy nghĩ "’con đang không phục, mình không thể tiếp tục xem con như một đứa trẻ con được nữa. Mình phải tìm cách khác’ và tìm cách hạ mình xuống.
Mình không áp đặt con, mình chuyển sang hỏi ý kiến con. Mình không chỉ bảo con, mình chuyển sang đưa ra ý kiến để con tham khảo, phân tích đúng sai, cái được cái mất rồi cho con tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, tự học lấy bài học cho riêng mình. Mình không tỏ ra cái gì mình cũng biết, mình chuyển sang có rất nhiều thứ con biết mà mẹ không biết và mẹ cần con giúp đỡ… cứ như thế con chia sẻ với mẹ nhiều hơn, con hỏi ý kiến mẹ nhiều hơn vì con biết thế nào mẹ cũng ủng hộ", bà mẹ hai con chia sẻ.
Sự tự tin quan trọng hơn thành tích
Chị Nhàn chia sẻ, điều mà chị muốn con đạt được không phải là thành tích mà là sự tự tin. Mỗi lần con thất bại mẹ lại an ủi "ai cũng có quyền được học lấy bài học cho riêng mình. Học phí sẽ phải trả dài dài con ạ. Như mẹ tới bây giờ vẫn phải trả học phí đấy thôi" thế là con lại ổn hơn một chút. Hoặc khi không dám thử điều gì đó mới mẻ con lại nói "người ta làm được chứ chắc gì con mẹ đã làm được hoặc người ta làm thấy dễ dàng nhưng con mẹ không làm được".
"Mỗi lần như thế mình lại lên dây cót: Sao con lại tự giới hạn bản thân mình thế. Là con chưa làm được vì con chưa được học, con chưa tìm hiểu chứ không phải là con không làm được. Không ai tự nhiên mà biết được hết mọi thứ hết, cái gì cũng cần phải học thì mới biết làm. Mẹ luôn quan niệm rằng cái gì người khác làm được thì mình cũng có thể làm được thậm chí mình có thể làm tốt hơn nếu mình cố gắng học hỏi. Nên là con phải tự tin lên", chị Nhàn nói.
Ảnh minh họa.
Ngoài học tập, bà mẹ này không ép con làm bất cứ điều gì mà con không thích. Lúc trước chị cũng muốn hướng con tham gia một môn thể thao nào đó để rèn luyện thể lực và lối sống lành mạnh như bóng rổ, bóng đá… con nói luôn "con ghét quả bóng" thế là chị "chịu thua". Chị để con tự do với những đam mê riêng của con, bởi tin rằng cứ có đam mê thì ít nhiều con cũng học được rất nhiều bài học quý giá.
Ví dụ như con trai mê máy ảnh chụp phim, tìm tòi khắp các trang mạng trên thế giới để đọc để nghe để xem về máy ảnh nhờ vậy mà dù 4 năm không đi học thêm tiếng Anh và ngoại ngữ chính trong trường của con là tiếng Đức nhưng tiếng Anh của con vẫn rất tốt, chỉ cần ôn luyện lại 5 tháng con đã lấy được bằng IELTS 8.0 để chuẩn bị vào đại học và đó cũng là món quà con dành tặng chị nhân dịp sinh nhật vừa qua.
Hoạt động duy nhất mà cả nhà yêu thích là chất nhau lên xe rong ruổi khắp các nẻo đường. Đi đâu, làm gì cũng phải có đủ 4 thành viên.