Con người đã vô tình đẩy loài cá "xấu thảm thương" này vào cảnh tuyệt chủng và đây là câu chuyện đằng sau

J.D |

Loài cá này không được dùng để ăn, gần như chẳng có giá trị thương mại. Vậy mà, chúng vẫn tuyệt chủng.

Sinh vật trong ảnh dưới đây có tên là cá sói Đại Tây Dương (Atlantic wolffish) - một loài cá có ngoại hình chẳng mấy hấp dẫn, nếu không muốn nói là xấu đau đớn.

Con người đã vô tình đẩy loài cá xấu thảm thương này vào cảnh tuyệt chủng và đây là câu chuyện đằng sau - Ảnh 1.

Điểm nổi bật nhất của loài cá này là bộ răng lởm chởm nanh nhọn, khiến ai cũng liên tưởng đến răng của loài sói. Bộ nanh này còn rất khỏe nữa, đủ để chúng săn được những loài vật mai cứng như cua, tôm và nhím biển.

Vậy mà loài cá này trong thế kỷ qua đang có số lượng sụt giảm, đến mức gần như rơi vào cảnh tuyệt chủng.

Điều này được thể hiện qua các số liệu. Tại Mỹ, lượng cá sói bắt được đã giảm từ 1200 tấn/năm xuống còn 30 tấn/năm trong giai đoạn thập niên 1980 - 2000. Tại Anh, sản lượng cá sói giảm tới 96% so với năm 1889. Còn tại biển Baltics, cá sói được liệt thẳng vào danh sách cực kỳ nguy cấp - nghĩa là có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn ngoài tự nhiên rất lớn.

Vấn đề là ở chỗ con người không ăn loài cá này, và chúng cũng chẳng có giá trị thương mại gì to lớn. Vậy tại sao chúng lại bị đánh bắt nhiều đến mức rơi vào cảnh tuyệt chủng?

Lý do làm nên nghịch cảnh của cá sói?

Theo Chris Middleton - chuyên gia sinh học về cá biển tại Anh Quốc, nguyên nhân chính đẩy cá sói vào nghịch cảnh ngày hôm nay là do con người đánh bắt quá nhiều.

Về cơ bản, cá sói rất dễ rơi vào cảnh bị đánh bắt quá mức do kích cỡ của chúng tương đối lớn. Hơn nữa, khả năng sinh sản của cá sói cũng khá hạn chế: chúng cần một khoảng thời gian khá lớn để quần thể khôi phục được số lượng, nên tương đối dễ bị thương tổn.

Con người đã vô tình đẩy loài cá xấu thảm thương này vào cảnh tuyệt chủng và đây là câu chuyện đằng sau - Ảnh 2.

Ở thời điểm hiện tại, cá sói không còn bị săn bắt cho mục đích thương mại nữa. Nhưng khổ nỗi, chúng thường xuyên bị "bắt kèm" (bycatch) khi loài người tìm cách khai thác các loài cá khác.

Nguyên nhân là vì môi trường sống ưa thích của loài vật này là các tầng nước lạnh - khoảng 0,5 - 3 độ C, với độ sâu từ 100 - 500m. Đây đồng thời cũng là tầng nước hay bị những con tàu khai thác đáy đánh bắt, nên chúng thường xuyên lọt vào lưới cào của ngư dân. 

Bi kịch nằm ở chỗ những loài cá bị bắt nhầm thường không có cơ hội trở lại đáy biển, vì những tấm lưới ấy rất nặng, khiến chúng bị tổn thương nghiêm trọng và chết trong quá trình đánh bắt. 

"Cá sói Đại Tây Dương sinh sống dưới đáy biển, và chúng cũng làm tổ rồi đẻ trứng ở đó. Tưởng như an toàn nhưng khi con người sử dụng lưới cào, chúng sẽ mất tất cả," - Middleton cho biết.

Theo số liệu từ Viện bảo tồn Hải dương Hoa Kỳ, những con cá bị bắt kèm đôi khi có thể chiếm tới 90% số lượng cá bắt được trong lưới, qua đó phá hủy hệ sinh thái một cách trầm trọng. Bởi vậy, việc sử dụng lưới cào đã bị nghiêm cấm ở một số quốc gia trên thế giới.

"Như tại vịnh Maine, môi trường sống dưới đáy biển đang bị xâm hại nghiêm trọng, do đó những khu vực để duy trì và bảo tồn cá sói đang giảm xuống đáng kể," - tiến sĩ Les Watling, người từng đưa ra kiến nghị bảo vệ cá sói năm 2008 chia sẻ.

"Khi không có những hành động cụ thể để ngăn chặn việc hủy hoại đáy biển từ của con người, cá sói sẽ tuyệt chủng sớm trong tương lai."

Theo Watling, tình trạng của cá sói hiện đang bi kịch nhất trong các loại bi kịch. Một mặt, chúng bị săn đuổi đến tuyệt chủng. Mặt khác, cá sói lại không đủ... dễ thương để cộng đồng quan tâm hơn và tìm cách cứu lấy chúng.

Loài cá xấu xí này có gì đáng quan tâm?

Dù có ngoại hình ma chê quỷ hờn, nhưng thực ra cá sói là một loài vật hết sức ấn tượng với giới khoa học.

Đầu tiên, để tồn tại trong tầng nước lạnh, cá sói phải tiết ra một loại protein giúp máu cơ thể không đóng băng.

Con người đã vô tình đẩy loài cá xấu thảm thương này vào cảnh tuyệt chủng và đây là câu chuyện đằng sau - Ảnh 3.

Điểm thú vị tiếp theo nằm ở bộ răng của chúng: đủ mạnh và đủ... bạo lực để nghiền nát những loài vật có vỏ cứng. Bộ răng này được thay thế hàng năm nên luôn sắc nhọn và khỏe mạnh trong phần lớn thời gian.

Và cuối cùng, điểm quan trọng của cá sói đối với hệ sinh thái dưới đáy biển được thể hiện qua chế độ ăn đặc biệt. Chúng có nhiệm vụ kìm hãm số lượng các loài có khả năng sinh sản mạnh như nhím biển, cua xanh... Nếu để nguyên, các loài vật này có khả năng xâm chiếm môi trường rất nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái.

Con người có thể làm gì cho loài vật này?

Tin buồn là... không có gì nhiều.

"Thông tin liên quan đến số lượng của cá sói hiện tại đang là quá ít. Chúng chỉ đang được xếp vào "loài cần được quan tâm". Rõ ràng, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn về loài vật này." - Sarah Russell, chuyên gia từ Quỹ Blue Marine chia sẻ.

Con người đã vô tình đẩy loài cá xấu thảm thương này vào cảnh tuyệt chủng và đây là câu chuyện đằng sau - Ảnh 5.

Năm 2008, một nhóm các nhà khoa học tại Hoa Kỳ đã đưa đề xuất lên chính phủ về cách bảo vệ loài cá sói Đại Tây Dương. Cũng trong năm đó, một bản kế hoạch khác được cục Đại dương và Thủy sản Canada đưa ra, cũng với mục đích bảo vệ hệ sinh thái và gia tăng nhận thức của công chúng về cá sói.

Theo Russell, hiện tại các tổ chức cũng đang cố gắng hỗ trợ nhiều loài vật đang trong tình trạng nguy cấp, trong đó có cá sói Đại Tây Dương. Tuy nhiên, thực tế như chúng ta ghi nhận ngày nay là số lượng của chúng vẫn đang sụt giảm trầm trọng.

Russell hy vọng mọi chuyện sẽ khá hơn trong tương lai, dù khả năng ấy có phần khó đạt được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại