Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao lại có những nhóm máu khác nhau không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.
Theo các nhà khoa học, người trưởng thành thường có thể tích máu là 5 – 6 lít ở nam giới và khoảng 4,5 – 5,5 lít ở nữ giới. Thể tích máu thường chiếm khoảng 6 – 8 % trọng lượng cơ thể. Máu bao gồm những tế bào như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.
Theo các nhà khoa học, con người có một số nhóm máu khác nhau. Con người chúng ta thường chỉ quan tâm mình thuộc nhóm máu A, B, AB hay O và là loại trừ hay cộng. Thế nhưng, nhóm máu của chúng ta phức tạp hơn thế nhiều.
Các tế bào hồng cầu trong máu có chứa một loại protein được gọi là hemoglobin, liên kết với oxy. Điều này cho phép tế bào vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Tuy nhiên, chúng cũng có một loại protein phức tạp khác ở bên ngoài màng tế bào. Các protein này được gọi là kháng nguyên có nhiệm vụ tương tác với các tế bào bạch cầu và tế bào miễn dịch nhằm giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Các kháng nguyên đóng vai trò là dấu hiệu nhận diện để cho phép hệ miễn dịch nhận ra các tế bào của chính cơ thể mình mà không tấn công chúng giống như dị vật. Các nhà khoa học cho biết, hai loại kháng nguyên A và B sẽ quyết định nhóm máu của chúng ta.
Kháng nguyên chính là yếu tố quyết định nhóm máu của mỗi người.
Tuy nhiên, làm thế nào mà chúng ta có được 4 nhóm máu chỉ từ hai kháng nguyên này?
Theo đó, các kháng nguyên sẽ được mã hóa bởi 3 alen khác nhau, các dạng của một gene cụ thể. Trong khi hai alen A và B mã hóa cho các kháng nguyên A và B, alen O lại không mã hóa cho kháng nguyên nào cả.
Trên thực tế, do chúng ta thừa hưởng một bản sao của mỗi gene từ bố và mẹ nên mỗi người sẽ có 2 alen xác định nhóm máu. Đến khi đó, alen nào lấn át alen nào thì sẽ phụ thuộc vào tính trội của chúng. Cụ thể, đối với nhóm máu, alen A và B đều có tính trạng trội, trong khi alen O có tính trạng lặn. Do đó, nếu alen A kết hợp với A sẽ cho chúng ta nhóm máu A, alen B với B sẽ cho nhóm máu B. Trong khi đó, tính đồng trội sẽ tạo ra cả kháng nguyên A và B, do đó cho ra nhóm máy AB.
Nhóm máu phức tạp hơn chúng ta tưởng.
Tương tự, các alen O là alen lặn, nên nếu ghép cặp vs các alen A hoặc B thì nó sẽ bị lấn át. Kết quả sẽ tạo ra nhóm máu A hoặc B.
Trường hợp cuối cùng, nếu chúng ta thừa hưởng cả hai alen O từ bố mẹ, các tế bào máu sẽ không có cả kháng nguyên A và B, nên kết quả là cho ra nhóm máu O.
Dựa trên các tương tác này, nếu biết nhóm máu của cả bố và mẹ, chúng ta có thể dự đoán được xác suất tương đối về nhóm máu của con cái.
Vì sao nhóm máu lại quan trọng?
Nhóm máu hiếm nhất trên thế giới hiện nay có tên là Rh-null.
Theo các chuyên gia, việc xác định đúng nhóm máu có ý nghĩa sống còn trong truyền máu. Cụ thể, nếu một người nhóm máu A nhận được máu của nhóm B, hoặc ngược lại. Bởi kháng thể của họ sẽ từ chối các kháng nguyên lạ và tấn công chúng.
Trong khi đó, những người có nhóm máu AB sản xuất cả hai kháng nguyên A và B, nên họ không tạo ra kháng thể chống lại chúng. Do đó, người mang nhóm máu này có thể nhận bất kỳ nhóm màu nào. Điều này giúp những người mang nhóm máu AB trở thành nhóm chuyên nhận.
Tương tự, những người có nhóm máu O lại không tạo ra các kháng nguyên A và B nên khiến họ trở thành nhóm chuyên cho. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của những người này lại tạo ra kháng thể để từ chối tất cả các nhóm máu khác, ngoài nhóm O.
Đáng tiếc việc kết hợp giữa người cho và người nhận trên thực tế còn phức tạp hơn do hệ thống kháng nguyên đi kèm, đặc biệt là yếu tố Rh.
Các nhà khoa học cho biết, Rh+ hoặc Rh- đề cập đến sự hiện diện hoặc vắng mặt của kháng nguyên D của hệ thống nhóm máu Rh. Yếu tố này không chỉ cản trở một số quá trình truyền máu mà còn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ. Nếu người mẹ có Rh- mang thai con Rh+, cơ thể của người mẹ sẽ sản xuất kháng thể Rh. Kháng thể này có khả năng đi qua nhau thai và tấn công thai nhi, dẫn tới một tình trạng được gọi là bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh.
Trên thực tế, nhóm máu hiếm nhất trên thế giới hiện nay có tên là Rh-null. Đặc điểm của nhóm máu này là không có bất kỳ kháng nguyên nào thuộc Rh cả. Trên thế giới chỉ có chưa tới 50 người mang nhóm máu này. Chính vì quá hiếm nên nó còn được gọi là "nhóm máu vàng".
Khoa học chưa thừa nhận về việc nhóm máu có liên quan đến tính cách của con người.
Một số nền văn hóa tin rằng nhóm máu có liên quan đến tính cách mặc dù thực tế điều này lại không được khoa học thừa nhận. Dù tỷ lệ các nhóm máu là khác nhau giữa các cộng đồng người, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu tại sao chúng lại phát triển như vậy. Có thể là do sự bảo vệ chống lại những bệnh bẩm sinh về máu hoặc do chiều hướng di truyền ngẫu nhiên.
Các loài khác nhau lại có những bộ kháng nguyên khác nhau. Minh chứng là con người chỉ có 4 nhóm máu chính, nhưng loài chó lại có 13 nhóm máu tìm thấy.
Bài viết tham khảo nguồn: TED-Ed, A-Z-animals