"Cơn mưa" rocket nã xuống Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad: Lộ vũ khí đánh trả cực kỳ lợi hại!

Anh Tú |

Trong vụ đánh trả rocket tấn công hôm 20/12, hệ thống C-RAM bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đã phóng đi một loạt đạn vạch đường nổ mạnh, định tầm tự hủy (HEIT-SD) cỡ nòng 20mm.

Đêm Chủ Nhật (20/12), “Vùng Xanh” - khu vực ngoại giao đoàn ở Thủ đô Baghdad của Iraq bất ngờ bị tấn công bằng một loạt rocket. Theo các cơ quan an ninh Iraq, 8 quả rocket đã đồng loạt tấn công trực diện vào khu vực vốn vẫn được phòng thủ rất vững chắc này.

Lầu Năm Góc cho biết, phần lớn số rocket tấn công đều rơi trúng khu vực dân cư Qadisiya gần Đại sứ Quán Mỹ khiến ít nhất một binh sĩ Iraq bị thương và làm hỏng hóc một số xe cộ và tòa nhà gần đó. ĐSQ Mỹ cũng bị hư hại nhẹ nhưng không ai bị thương hay tử vong.

Đối phó với cuộc tấn công này, phía Mỹ đã phải huy động tới khí tài phòng thủ tự động có tên gọi Hệ thống Chống Rocket, Đạn pháo và Súng cối (C-RAM) - loại vũ khí chuyên dụng được thiết kế để bắn hạ các đầu đạn tấn công tầm cực gần của kẻ thù.

Hệ thống C-RAM đánh trả rocket tấn công vào khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Baghdad của Iraq đêm 20/12/2020

Trong cuộc đánh trả hôm 20/12, hệ thống C-RAM triển khai bảo vệ tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đã khai hỏa nhiều lần, bắn đi một loạt đạn vạch đường nổ mạnh, định tầm tự hủy (HEIT-SD) cỡ nòng 20mm.

C-RAM được thiết kế để bảo vệ các lực lượng Mỹ khỏi hỏa lực kẻ thù. Loại vũ khí này được phát triển dựa trên hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx trang bị cho Hải quân Mỹ.

Giữ vai trò là hệ thống phòng thủ điểm - chốt chặn cuối cùng, Phalanx trang bị pháo tự động Gatling M61 20mm cùng hệ thống radar để tạo thành "lưới lửa" trên tàu chiến chống lại máy bay, tên lửa, máy bay không người lái UAV) và thậm chí là cả tàu thuyền cỡ nhỏ.

Cơn mưa rocket nã xuống Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad: Lộ vũ khí đánh trả cực kỳ lợi hại! - Ảnh 2.

Hệ thống C-RAM khai hỏa

C-RAM về cơ bản cũng là một hệ thống tương tự nhưng được hiệu chỉnh để thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ trên mặt đất. Phalanx sử dụng đạn vonfram xuyên giáp còn C-RAM sử dụng đạn nổ để phá hủy đầu đạn tấn công trên không.

Một điểm khác biệt rõ nét giữa C-RAM và CIWS là việc sử dụng đạn nổ tự hủy.

CIWS hoạt động trên biển nên gần như hiếm có khả năng xảy ra bắn nhầm nhưng C-RAM lại được sử dụng trên mặt đất, tức ở rất gần với các lực lượng mà nó bảo vệ, vì vậy đạn C-RAM được thiết kế tự nổ sau một tầm phóng nhất định, ngăn chặn chúng bay quá xa và không rơi xuống đất.

Cả C-RAM và CIWS đều sử dụng pháo tự động 6 nòng Gatling M61 “Vulcan” 20mm có tốc độ bắn lên tới 6.000 phát/phút.

Được phát triển vào đầu những năm 1950, khẩu pháo này được tiêu chuẩn hóa thành M61 vào năm 1956.

Quân đội Mỹ đã sử dụng M61 trong các hệ thống phòng không M167 và M163, đồng thời dùng làm pháo chính trên các máy bay chiến đấu F-14, F-15, F-16 và F-18.

Loại pháo này cũng được sử dụng làm hệ thống phòng thủ phía sau, trên máy bay ném bom B-52H, trong khi một biến thể hạng nhẹ khác được trang bị trên tiêm kích F-22 Raptor.

Tuy cảnh quay hoạt động của C-RAM có vẻ khá ấn tượng nhưng chưa rõ hệ thống phòng thủ này có thực sự “làm nên trò trống gì không” trong vụ đánh chặn hôm 20/12 vừa qua.

Video quay tại hiện trường cho thấy đã có nhiều vụ nổ diễn ra nhưng có vẻ như đạn C-RAM đều tự hủy.

Tất nhiên, một vụ đánh chặn thành công có thể không nhất thiết phải đi kèm với các vụ nổ đầu đạn rocket tấn công.

Video thử nghiệm Hệ thống Chống Rocket, Pháo binh và Súng cối (C-RAM)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại