Khó khăn ban đầu
Theo kế hoạch, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Trung Quốc vào hôm 14/1/2021 để điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Diễn biến này xuất hiện sau khi Bắc Kinh trước đó trì hoãn việc cấp thị thực (visa) và giấy phép nhập cảnh cho các vị này.
Việc trì hoãn nói trên có thể là điềm báo trước về những gì mà 10 vị chuyên gia về y tế và bệnh truyền nhiễm sẽ được đón nhận khi họ đặt chân lên đất Trung Quốc. Có báo cáo cho hay, Bắc Kinh ít khả năng sẽ trao cho họ quyền miễn trừ một khi họ đã tới nơi. Một số báo cáo cũng trích dẫn WHO cho biết đội này sẽ tới trực tiếp Vũ Hán.
Nhóm chuyên gia đến từ các nước trong đó có Nhật Bản, Nga, Đan Mạch, và Qatar. Họ sẽ được cách ly ở một cơ sở khép kín trong 2 tuần và được kiểm tra liên tục về virus mà chính họ theo kế hoạch sẽ điều tra. Dự kiến họ sẽ ở lại Trung Quốc trong phần lớn tháng 2/2021.
Cả Bắc Kinh và WHO đều chưa công bố bất cứ chi tiết cụ thể nào về hành trình của nhóm chuyên gia này trong lãnh thổ Trung Quốc.
“Giám sát chặt chẽ”
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tiết lộ rằng các cán bộ phụ trách chính sách y tế công cộng và các chuyên gia được Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc sẽ tháp tùng đội ngũ của WHO trong thời gian lưu trú để “trao đổi ý tưởng và đối chiếu các ghi chép”.
Vũ Hán được nhiều người xem như tâm chấn đầu tiên của đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19. Tuy nhiên, hồi tháng 7/2020, Vũ Hán lại không có mặt trong hành trình của đội quan chức và chuyên gia WHO khi họ bay tới Bắc Kinh để yêu cầu được thực hiện một cuộc điều tra quốc tế.
Các tờ báo Hong Kong vào hôm 12/1/2021 nói rằng lần này, 10 vị chuyên gia của WHO sẽ được tiếp cận tâm chấn gốc của đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán để xác định liệu mầm bệnh đã xuất hiện và tấn công siêu thành phố của Trung Quốc cách đây hơn một năm như thế nào.
Nhưng có thể họ sẽ không tìm được bất cứ thứ gì có giá trị về nghiên cứu khoa học. Theo truyền thông Vũ Hán, chợ hải sản Hoa Nam nơi phát hiện trường hợp viêm phổi lạ đầu tiên đã bị đóng cửa và được khử trùng triệt để trong vài đợt vệ sinh toàn thành phố trong thời kỳ phong tỏa 76 ngày ở Vũ Hán từ tháng 2 đến tháng 4/2020.
Các hy vọng rằng chuyến đi của WHO sẽ tạo ra đột phá mới trong hiểu biết về bệnh dịch này và nguồn gốc của nó vì thế là rất thấp.
Một nhà dịch tễ học thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh tật thuộc thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết lịch trình tất cả các trao đổi của chuyên gia WHO với chuyên gia và các nhà khoa học địa phương đều phải được NHC cũng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc phê chuẩn trước.
Ông này cho hay các chuyên gia y tế nước ngoài luôn được hộ tống bởi các đối tác Trung Quốc nhằm bảo đảm họ không trệch khỏi lộ trình đã được phê duyệt và sắp xếp trước để đi gặp gỡ hoặc nói chuyện với bất cứ ai không có trong kế hoạch của các chuyến đi.
Câu chuyện mới?
Bắc Kinh hiện đang sử dụng truyền thông nhà nước để kể các câu chuyện về nguồn gốc của đại dịch cả trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng hình ảnh một Trung Quốc với tư cách là người giành chiến thắng toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tân Hoa xã dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với những người đồng cấp của mình trong chuyến công du châu Phi và Đông Nam Á rằng Covid-19 có thể có “nhiều nguồn, nhiều phiên bản, và nhiều biến thể”.
Hồi tháng 5/2020, khi một Đại hội đồng WHO được tổ chức trực tuyến đã thông qua một nghị quyết do Liên minh châu Âu đề xuất về một cuộc nghiên cứu nguồn gốc Covid trên toàn cầu, Bắc Kinh đã phản đối, sử dụng lập luận rằng ngăn chặn virus lây lan là nhiệm vụ cấp bách hơn và nguồn gốc của virus không phải điều quan trọng bằng.
Hiện Trung Quốc đang mở một chiến dịch tổng lực để ngăn đợt trỗi dậy lớn nhất của Covid-19 ở nước này kể từ đợt bùng phát ở Vũ Hán, một số người cho rằng NHC có thể không dành nhiều thời gian cho các chuyên gia WHO khi mà họ phải tập trung xử lý các ổ dịch ở Hà Bắc, Bắc Kinh, và những nơi khác.
Một số gợi ý cũng được đưa ra theo hướng đội chuyên gia của WHO nên tới Hà Bắc để xác định tình hình virus trên thực địa, trong bối cảnh NHC vào tuần trước đã lưu ý rằng sự lây lan của virus này tại đó có thể bắt nguồn từ châu Âu.
Lần đầu tiên trong gần 6 tháng, Trung Quốc ghi nhận thêm hơn 100 ca nhiễm mới vào hôm 10/1, với đa phần ca bệnh được xác nhận ở Hà Bắc. Giới chức nước này cũng nhận diện được 76 trường hợp nhiễm không triệu chứng vào hôm đó.
Trong khi đó, tờ Daily Mail của Anh tung ra các cáo buộc nhằm vào Trung Quốc sau khi hơn 300 báo cáo về các bệnh truyền nhiễm được cho là đã được lôi ra từ Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia của Trung Quốc.
Các ấn phẩm này bao gồm các báo cáo của các nghiên cứu viên tại Viện Virus học Vũ Hán của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) về cách thức virus có thể lan truyền từ các con dơi và các động vật khác sang con người.
Các báo cáo đó giờ đã bị xóa bỏ.
Tờ Daily Mail cho rằng việc gỡ các báo cáo nghiên cứu đó có thể nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh che giấu các dữ kiện trước khi đội chuyên gia của WHO tới Trung Quốc.
Mặc dù vậy, một số báo cáo trong số này vẫn có thể tìm thấy trên các nền tảng khác, bao gồm cả của CAS và Đại học Vũ Hán./.