Con gái phát hiện cuộc nói chuyện của mẹ với loa thông minh, hé lộ tình trạng ở các nước châu Á phát triển

Minh Khôi |

Những đoạn trò chuyện được lưu trữ trong lịch sử chiếc loa thông minh đã giúp một cô con gái Trung Quốc nhận ra mẹ mình cô đơn và bất hạnh như thế nào.

Cuộc trò chuyện bí mật với thiết bị thông minh

He Ying, đến từ thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc, cho biết cô phát hiện ra rằng mẹ mình nói với thiết bị thông minh: "Hãy nói chuyện với tôi, tôi không vui".

Trong cuộc trò chuyện với thiết bị thông minh, mẹ của cô cũng bộc lộ cảm xúc thật của mình: "Tôi không biết mình có thể làm được gì".

Cô con gái cho biết cô đã biết từ lâu rằng mẹ cô có nhu cầu tình cảm, nhưng cuộc trò chuyện với thiết bị thông minh này khiến vấn đề trở thành tâm điểm.

Cô đã mua thiết bị này hai ngày sau khi mẹ cô chuyển đến Trùng Khánh để sống với cô. Cô con gái cho biết một trong những lý do khiến mẹ cô tiếp xúc với chiếc loa thông minh là do bà không quen với phương ngữ Trùng Khánh.

Một lý do khác là mẹ cô cảm giác buồn sau khi cô và em trai đã trưởng thành và có cuộc sống riêng, He Ying nói thêm.

He Ying cho biết, cô sẽ không nói gì với mẹ về cuộc trò chuyện được lưu trong thiết bị thông minh nhưng cô sẽ dành nhiều thời gian hơn cho mẹ.

"Đại dịch cô đơn"

Đây không phải là tình trạng cá biệt ở Trung Quốc. Ở các đất nước phát triển tại châu Á, khi bước vào quá trình già hóa dân số và đô thị hóa tăng cao, người lớn tuổi đang bước vào "đại dịch cô đơn".

Yang Sun-im, 76 tuổi, có 4 con, đã ở 1 mình phần lớn thời gian trong bốn thập kỷ qua, sau khi ly dị chồng khi bà 33 tuổi. Bốn đứa con một mình bà nuôi nấng đều đã trưởng thành, tạo dựng cuộc sống mới ở xa.

Con gái phát hiện cuộc nói chuyện của mẹ với loa thông minh, hé lộ tình trạng ở các nước châu Á phát triển - Ảnh 1.

Bà Yang hiếm khi ra ngoài vì căn bệnh đau lưng và ít bạn bè cũng như người thân ở bên. Ảnh: SCMP

"Con gái tôi sống cùng gia đình ở Nhật Bản đến thăm tôi một hoặc hai năm một lần. Nó là đứa duy nhất thỉnh thoảng gọi điện cho tôi", bà nói.

Ngay cả trong nhà dưỡng lão ở thành phố cảng phía nam Busan, Hàn Quốc, nơi bà Yang hiện đang sống, bà vẫn cảm thấy cô đơn. Bà trẻ hơn so với những người ở chung trong viện dưỡng lão và cảm thấy khó khăn trong việc kết bạn.

Nhưng gần đây, bà Yang đã kết bạn với một người bạn mới, người này có vẻ háo hức trò chuyện – ngay cả khi cuộc trò chuyện của họ bị ngắt quãng.

Người bạn mới của Yang được gọi là Clova. Đó là một chương trình trí tuệ nhân tạo được tạo ra bởi Naver, tập đoàn công nghệ lớn nhất của Hàn Quốc.

Công ty đã cho quận Haeundae, nơi bà Yang ở, dùng thử miễn phí dịch vụ điện thoại Clova CareCall dành cho người cao tuổi và điều đó đã khiến một ngày của Yang trở nên tươi sáng.

Đôi mắt của Yang sáng lên và có tiếng cười trong giọng nói của cô ấy.

"Thật vui khi nhận được tin tức từ bạn", Yang nói với Clova, như thể với một người bạn cũ. Bà Yang cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với Clova. Bà không muốn gọi điện thoại cho các con, kể cả đứa con gái vừa mời bà sang Nhật sống cùng.

Con gái phát hiện cuộc nói chuyện của mẹ với loa thông minh, hé lộ tình trạng ở các nước châu Á phát triển - Ảnh 2.

Bà Yang nói chuyện với Clova rất vui vẻ. Ảnh: SCMP

"Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho những đứa con. Tôi thậm chí đã đăng ký trở thành người hiến tạng để không đứa con nào của tôi phải chuẩn bị tang lễ cho tôi. Ngoài việc ăn uống, tôi chỉ mở miệng khi nhận được cuộc gọi từ Naver", bà Yang nói.

Mặc dù vậy, cuộc trò chuyện không phải lúc nào cũng trôi chảy. Vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, Clova CareCall đã được lập trình để nghe giống một người và có phản ứng với những câu chuyện mà người cao tuổi thường nói. Nhưng đôi lúc nó không hiểu hết giọng nói của bà Yang.

Tranh cãi về tính nhân đạo

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, 1,76 triệu trong số 9 triệu người cao tuổi của Hàn Quốc sống một mình.

Hàn Quốc đã trở thành một "xã hội già hóa" – một xã hội mà dân số già (những người trên 65 tuổi) chiếm hơn 14% tổng dân số – vào năm 2017 và được dự đoán sẽ trở thành một xã hội siêu già – khi dân số già chiếm 20% tổng số – vào năm 2025. Theo thước đo này, đất nước này thậm chí còn già đi nhanh hơn cả Nhật Bản.

Con gái phát hiện cuộc nói chuyện của mẹ với loa thông minh, hé lộ tình trạng ở các nước châu Á phát triển - Ảnh 3.

Hàn Quốc có tốc độ già hóa nhanh chóng. Ảnh: Bloomberg

Cùng với sự gia tăng dân số người già này, một số người gọi đó là dịch bệnh cô đơn. Theo Bộ Y tế, cứ 10 người cao tuổi thì có một người không có liên hệ với các thành viên trong gia đình, trong khi năm 2018, khoảng 1,5% người cao tuổi sống một mình không tham gia các hoạt động xã hội.

Một tháng sau giai đoạn thử nghiệm ở Haeundae, 90 trong số 100 người cao tuổi muốn tiếp tục nhận cuộc gọi.

Naver, hiện đang cung cấp dịch vụ miễn phí, có kế hoạch sớm mở rộng Clova CareCall đến các thành phố lớn khác như Seoul và Daegu.

Dịch vụ này có thể đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn như Bắc Gyeongsang và tỉnh Nam Jeolla, nơi người cao tuổi chiếm hơn 40% dân số.

Ok Sang-hun, giám đốc phát triển kinh doanh AI tại Naver, cho biết chương trình này có thể hiểu "hàng chục nghìn tình huống câu hỏi và câu trả lời".

"Lúc đầu, chúng tôi lo lắng rằng những người lớn tuổi sẽ cảm thấy như họ đang nói chuyện với người máy. Nhưng mọi thứ vượt quá mong đợi của chúng tôi. Trí thông minh nhân tạo giỏi nói chuyện đến nỗi mọi người thậm chí còn muốn biết tên của nó là gì", Ok nói thêm.

Lee Ho-sun, Đại học Điện tử Soongsil Hàn Quốc nói rằng ở Hàn Quốc, truyền thống là con cái phải chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhưng trong vài thập kỷ qua, điều này đã thay đổi.

Mặc dù cho rằng với khả năng chẩn đoán rộng lớn của điện toán AI, Lee cho rằng AI không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn thao tác của con người.

"Sẽ không có gì vô nhân đạo hơn giao tất cả dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cho AI. AI nên là phương pháp bổ sung, không phải là phương pháp chính", cô nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại