Con gái mắc chứng tự kỷ, cha lương tháng "tính bằng Đô" vẫn nghỉ để chăm lo

Ngân Hà |

Có con gái mắc chứng tự kỷ, nhưng họ không ngần ngại gọi đây là “bệnh tự kỷ” và cảm thấy hạnh phúc khi được toàn tâm toàn ý ở bên chăm sóc cô bé bằng tất cả sự thương yêu...

Tâm sự gây xúc động của bà mẹ có con gái mắc chứng tự kỷ.

Câu chuyện mà chị Ngọc Trâm - đến từ Hà Nội chia sẻ trên trang facebook cá nhân đã nhận được nhiều sự sẻ chia, đồng cảm của mọi người và khiến không ít người đọc xúc động khi cảm nhận được nhiều điều quý giá cần được trân trọng trong cuộc sống này.

"Sáng nay, bạn bè trên Facebook của tôi share (chia sẻ) nhiều về bài viết kêu gọi mọi người coi trẻ tự kỷ như một đứa trẻ bình thường nhân tuần lễ về trẻ tự kỷ. Tôi không đăng lại, tôi chọn cách kể câu chuyện của mình.

Đây là con gái tôi - bé Kiến 4 tuổi, chưa biết nói. Đêm qua cô ấy dậy từ 1 giờ và thức chơi tới 6 giờ sáng - như khoảng 200 đêm khác trong năm. Bác sĩ viện Nhi chẩn đoán cô ấy bị tự kỷ.

Có lần, VTV làm phóng sự, báo Lao động và một số báo khác có bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (từng là viện trưởng viện Nhi, giờ là giám đốc trung tâm tế bào gốc Vinmec) dùng từ "bệnh tự kỷ". Những ông bố bà mẹ có con tự kỷ đều xôn xao, bức xúc vì "tự kỷ không phải là bệnh".

Cá nhân tôi, với sự hiểu biết eo hẹp, tôi vẫn nói là "bệnh tự kỷ" - vì là bệnh thì mới hy vọng chữa được, và tôi đang chờ đợi cấy tế bào gốc cho cô gái bé nhỏ của mình.

Có thể, cô gái ấy sẽ tiến bộ, sẽ học đại học và lập gia đình, như những gì bác sĩ vẫn động viên tôi. Có thể, cô ấy sẽ mãi hồn nhiên, như cách người ta bảo: đã tu mấy kiếp để sống một cuộc đời không lo âu, muộn phiền, sân si tranh đấu.

Ở trường hợp nào, cô ấy vẫn là cô gái bé bỏng của tôi. Mỗi đứa trẻ dù thế nào cũng luôn là một tình yêu hoàn hảo. Cô ấy tự kỷ - không phải lỗi của cô ấy, không phải lỗi của cha mẹ. Chúng tôi không xấu hổ vì điều ấy.

Con gái mắc chứng tự kỷ, cha lương tháng tính bằng Đô vẫn nghỉ  để chăm lo - Ảnh 1.

Sau khi đọc câu chuyện, nhiều người tin rằng Kiến sẽ trở thành một cô gái đáng yêu và nhân hậu trong tương lai, bởi bên em luôn có sự đồng hành của bố mẹ luôn yêu thương, hi sinh vì em. (Ảnh: FBNV)

Trước khi muốn chữa cho con, phải chữa cho cha mẹ. Cha mẹ phải chấp nhận sự thật một cách thoải mái, mới có thể nắm tay con - cùng đi dưới ánh mặt trời. Chắc chắn sẽ có những khó khăn, nhưng "Everything will be fine" – Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi.

Vì con, chồng tôi - một sĩ quan hàng hải, làm cho một công ty lớn, đi khắp các châu, lương tính bằng đô - nghỉ việc ở nhà đưa đón, chăm sóc "người tình kiếp trước".

Vì con, tôi - một biên tập viên báo lớn - tạm dừng công việc yêu thích nhưng quá nặng nề và tốn nhiều thời gian - chuyển sang những công việc nhẹ nhàng hơn để có thể chơi đùa, yêu thương thay vì mệt mỏi nhìn cô ấy mỗi khi về nhà lúc 6 giờ, tranh thủ ăn tối rồi ôm máy trực tới khuya, rời công việc đặt mình xuống gối thì con dậy, hò hét chơi tới sáng, con ngủ, mẹ lại chuẩn bị ôm mắt thâm quầng tới tòa soạn.

Tôi không gọi những thứ ấy là hy sinh, tôi gọi đó là tình yêu. Một người cứ hy sinh mãi, lúc mệt mỏi sẽ cáu gắt, cảm thấy mình đã bỏ mất quá nhiều điều trong cuộc sống để cho một người khác. 

Chúng tôi, không chỉ sống cho con, chúng tôi sống cho mình, cho nhau. Chồng tôi thường động viên tôi đi du lịch, coffee, mua sắm, để tôi có thể tái tạo năng lượng cho mình.

Theo bản tính AQ, tôi vẫn bảo chồng: nhờ con, chúng ta kết nối với nhau chặt chẽ, bền bỉ hơn, bởi nếu hai đứa tách nhau ra, không ai có thể chăm lo tốt cho cô ấy như những gì cô ấy đáng được hưởng.

Ngẫu nhiên, màu tôi và chồng thích là màu xanh da trời - đó cũng là màu biểu trưng cho những em bé tự kỷ. Còn màu xanh - còn hy vọng"

Cha mẹ ơi, hãy dành thêm nhiều thời gian cho con của mình! 

Có lẽ, không nhiều các ông bố bà mẹ mạnh mẽ và dũng cảm được nhưng vợ chồng chị Ngọc Trâm trong câu chuyện trên.

Họ đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện về cô công chúa đang mắc chứng tự kỷ của mình, dũng cảm thừa nhận đó là "bệnh" và dũng cảm đánh đổi nhiều thứ để ở bên giúp con vượt qua cơn sóng gió đầu đời.

Chia sẻ với câu chuyện của chị Ngọc Trâm, nickname Nguyen Khang Khang bình luận: "Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta vươn qua những giai đoạn khó khăn nhất, và đôi khi nó làm chúng ta hạnh phúc hơn những bon chen xô bồ ngoài kia vì nó găn kết tình cảm giữa người với người.

Nó mạnh mẽ hơn trăm ngàn lời nói, nó quý giá và không cân đo đong đếm được. Và ấm áp thay sự hy sinh của bố mẹ dành cho cô con gái nhỏ. Người ta thường nói: "After the storm, the sky will be brighter"

Có thể nhận thấy, số trẻ mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam ngày càng tăng và tác động từ môi trường sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. 

Thế nhưng, tạm gác lại những biểu hiện, nguyên nhân của chứng tự kỷ, điều mà chúng ta cảm nhận rõ rệt qua câu chuyện của chị Ngọc Trâm chính là cách mà họ cùng con gái chiến đấu với tự kỷ bằng tình yêu thương, sự gắn kết tuyệt đối.

Bố mẹ bé Kiến không những không chán nản, thất vọng về con, mà ngược lại, chính cô bé đã giúp kết nối họ với nhau chặt chẽ, bền bỉ hơn, để mỗi ngày họ đều cảm thấy hạnh phúc khi được ở cạnh nhau chia sẻ mọi vui buồn.

Người ta nhận ra rằng, trong cuộc sống này, mọi khó khăn, bất trắc có thể xảy đến bất kì khi nào, ở đâu, không chừa một ai. Chỉ là, quan trọng rằng có người sát cánh bên ta để vượt qua mọi thử thách hay không?

Trở lại với câu chuyện về những em bé mắc chứng tự kỉ, một thông điệp mà các ông bố bà mẹ có con nhỏ không thể bỏ qua, đó là đang có không ít trẻ em tự kỉ là con nhà khá giả, trí thức. 

Các em được cung phụng đủ đầy về vật chất, nhưng cũng chính vì cha mẹ lo mải mê chạy theo "vòng xoáy tiền, tài, danh vọng" mà không còn thời giờ để chơi với con, ở cạnh chăm sóc con cái, dẫn đến hậu quả đáng buồn.

Họ đã quên mất một nhu cầu khác tối quan trọng đối với tuổi trẻ, đó là nhu cầu về tinh thần: tình thương yêu, sự chia sẻ vui buồn, gần gũi thân thiết trò chuyện với con.

Ai cũng đều có 24 giờ mỗi ngày không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Thời gian không mất tiền mua, nhưng thật vô giá nếu biết sử dụng đúng cách nhất là trong việc dạy dỗ, yêu thương con cái.

Hãy dành nhiều thời gian cho con, thường xuyên trò chuyện, đọc sách với con. Đó là cách tốt nhất để giáo dục tâm hồn và rèn luyện nhân cách của con. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại